30/04/2024 lúc 20:40 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành yêu cầu tất yếu để phát triển đối với mỗi nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ vai trò nòng cốt và tiên phong.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành yêu cầu tất yếu để phát triển đối với mỗi nền kinh tế, trong đó lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt và tiên phong. Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với hoạt động nghiên cứu khoa học và đội ngũ các nhà khoa học.
Đồng thời, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta cũng nhất quán khẳng định rõ vai trò của doanh nghiệp là động lực chính của nền kinh tế - xã hội, yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh, quy mô, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiêp cần quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của khoa học và công nghệ, tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển khoa học và công nghệ phải gắn chặt với đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Theo Chiến lược, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; đầu tư cho khoa học - công nghệ đạt 1,5 - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1 - 1,2% và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65 - 70%.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan phát triển công nghệ AI, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, được đề cập.
Trong quý I năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 29/2/2024 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2024.
Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 7/2/2024.

Theo đó, sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tổ chức các sự kiện lớn, trong đó đáng chú ý là lần đầu tiên công bố kết quả triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số GII của Việt Nam, cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2024-2028 với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Trong quý II/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế; tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và phát động các hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024; chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5, hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.

Vũ Nhật