VNHN-Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các khu dân cư. Các hoạt động tuyên truyền đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai và nhân rộng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy vậy công tác này vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm và chú trọng hơn nữa.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC tại quận Long Biên, Hà Nội
Thực trạng hiểu biết về pháp luật của nhân dân tại các khu dân cư
Có thể khảng định, ngày nay đời sống kinh, văn hóa xã hội của các tầng lớp nhân dân đang được nâng cao. Cùng với sự phát triển chung đó là sự nâng lên của tri thức, trình độ nhận thức của người dân tại các khu dân cư nói chung và nhận thức pháp luật nói riêng. Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật do đó ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật có những tiến bộ rõ rệt. Người dân đã có ý thức tiếp thu sự tuyên truyền pháp luật từ phía các cơ quan, đoàn thể cũng như hưởng ứng nhiệt tình các cuộc vận động pháp luật tại các khu dân cư. Vì vậy, nhân dân đã dần dần nhận thức sâu sắc hơn hành vi của mình để có thể thực hiện tốt hơn những quy định của pháp luật.
Mặt khác trong nhiều năm gần đây, tại nhiều tỉnh và thành phố việc xây dựng quy ước của tổ dân phố, khu dân cư đã được triển khai trên diện rộng. Hầu hết các cụm dân cư, tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng quy ước. Nội dung của quy ước đã tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: các biện pháp, phương thức giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ nghiêm minh các quy định pháp luật, biện pháp bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản công, bảo vệ môi trường, biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan…xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Khi xây dựng quy ước các tổ dân phố, cụm dân cư đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Quy định việc sử dụng cơ sở vật chất, thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… góp phần xây dựng tổ dân phố thực hiện nếp sống văn hóa mới nên được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy vậy, bên cạnh những điểm đã đạt được, ý thức pháp luật trong nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế tại các thành phố các khu dân cư đều có hiện tượng cư dân không đồng nhất, nghĩa là ngoài những cư dân có nhà ở, có hộ khẩu thì các khu dân cư còn có hiện tượng người lao động thuê nhà để ở. Các cư dân này thường chỉ quan tâm đến công ăn việc làm mà không quan tâm đến quan hệ cũng như vai trò của pháp luật trong cộng đồng. Điều này dẫn đến thực trạng một bộ phận không nhỏ nhân dân trình độ nhận thức pháp luật kém. Kiến thức pháp luật của nhân dân, đặc biệt những vùng nông thôn, miền núi còn thấp. Rất nhiều người trên thực tế đã tham gia pháp luật mà không biết những quy định của pháp luật mặc dù nó rất gần gũi, phổ biến trong cuộc sống. Điều đáng cảnh báo là số người vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Các hành vi vi phạm pháp luật của nhân dân rất đa dạng: Hình sự, dân sự, hành chính… với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có thể thấy một số vụ việc như các vụ tranh chấp đất đai, kiện tụng, buôn lậu, trốn thuế, giết người… Đặc biệt, hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta là các vụ vi phạm luật giao thông nhưng người dân lại không ý thức được hết tác hại, vì thế về hình sự xảy ra nhiều vụ phạm tội, có những vụ rất thương tâm và đau lòng. Số vụ vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng và phức tạp trở thành nỗi lo ngại cho gia đình và xã hội. Tất cả những điều đó đã và đang gây một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay ở nước ta. Những vi phạm này chính là xuất phát từ vấn đề ý thức pháp luật chưa cao của quần chúng.
Đưa pháp luật đến với người dân để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong các khu dân cư
Pháp luật là yếu tố không thể thiếu được đối với tổ chức nhà nước và xã hội. Muốn tổ chức, quản lý tốt nhà nước, xã hội, đòi hỏi mỗi người trong cộng đồng phải hiểu biết và không ngừng nâng cao ý thức pháp luật. Nếu công dân không có ý thức pháp luật tốt sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ tìm những kẽ hở của pháp luật để vụ lợi cá nhân, bất chấp lợi ích cộng đồng. Vì thế yêu cầu nâng cao hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân phải là một yêu cầu thường xuyên và liên tục. Trong nhiều năm qua, dù công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã thu được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Tại nhiều địa phương một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này và cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp, cho nên chưa sát sao kiểm tra, đôn đốc công việc. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa sâu rộng đến mọi người dân, hình thức chưa phong phú, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều.
Thực tế cuộc sống cho thấy cần phải có nhận thức đúng đắn việc giáo dục ý thức pháp luật chính là giúp cho nhân dân quan tâm hơn đến pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật, có thái độ đúng đắn, động cơ tích cực trong thực hiện pháp luật và đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật. Muốn đạt được mục đích trên rất cần phải tiến hành bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật trong nhân dân. Thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới mọi hình thức, đồng thời có biện pháp tích cực, đưa nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Trên thực tế, nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai và nhân rộng mà nổi bật là các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải cơ sở, tập trung tuyên truyền nhất là tuyên truyền tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xa trung tâm, người lao động tại các khu công nghiệp, sinh viên, các đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự an toàn xã hội… qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo chuyển biến tích cực về ý thức tuân thủ pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội. Nhiều địa phương trong năm 2018 đã tổ chức nhiều hình thức hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam theo chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng đất nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Các phong trào này đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và thực hiện công tác hành chính tư pháp.
Cần phải cải thiện hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật
Những hạn chế về ý thức pháp luật của nhân dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là do trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nhất là ở những vùng nông thôn miền núi, dẫn đến trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân chưa cao. Công tác tuyên truyền pháp luật trong quần chúng chưa toàn diện, chưa sâu rộng và chưa hiệu quả. Những hành vi vi phạm pháp luật của người dân có thể do không nhận thức được hành động của mình là phạm luật hoặc có thể nhận thức được nhưng vẫn cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự tác động của tư tưởng, tâm lý xã hội tiêu cực, lạc hậu, vì cá nhân…
Ðể công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, thời gian tới bên cạnh việc phát huy tốt vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần phải có những biện pháp tuyên truyền tích cực, nội dung và hình thức đơn giản, phong phú, dễ hiểu được thực hiện ở các khu dân cư. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, gần gũi như tập trung vào việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư gắn với nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, thực hiện các quy ước ở cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Một biện pháp hữu hiệu để hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư là Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp cần chú trọng tuyển chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở là những người có uy tín, am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền và là tấm gương tiêu biểu về chấp hành pháp luật. Những người làm công tác Mặt trận cũng phải có khả năng phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các phong trào thi đua phát triển kinh tế, gìn giữ bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá, luôn chủ động cập nhật thông tin về chính sách pháp luật để phổ biến cho nhân dân bằng nhiều hình thức như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát thanh, kết hợp phổ biến vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức khác. Các cán bộ của ban công tác Mặt trận cũng có điều kiện thuận lợi nhất để chọn các yếu tố đặc thù của tình hình vi phạm pháp luật ở khu dân cư, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đến gặp các đối tượng, nắm bắt các ý kiến trong nhân dân để tìm nguyên nhân của sự việc, đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc đưa ra phương hướng giải quyết. Phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận chính là phương pháp hợp lí nhất để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật
Hiểu rõ vai trò quan trọng của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản, trong nhiều năm qua nhiều bộ luật, đạo luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cải cách bộ máy nhà nước đã được ban hành. Cùng với việc tạo lập hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ Nhà nước ta còn tạo điều kiện, xây dựng cơ chế bảo đảm mọi quy định pháp luật ban hành đều được mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức nắm vững và tôn trọng. Đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng lối sống tốt đẹp, sống và làm việc theo pháp luật là mục của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên một trong những hình thức hữu hiệu, có khả năng giáo dục và tạo dựng lòng tin trong nhân dân tốt nhất chính là cần nghiêm khắc trong xử lý vi phạm pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đều phải được xem xét kỹ lưỡng và xử lý nghiêm minh.
Một trong những hiện tượng nổi bật trong vài năm gần đây chính là quá trình điều tra và xử lý các vụ án như trọng án kinh tế, tham nhũng lớn. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng không chỉ hoàn tất hồ sơ đưa các vụ án ra xét sử mà còn chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, không để tội phạm kinh tế, tham nhũng lợi dụng hoạt động, hạn chế đến mức thấp thất thiệt hại tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân. Quá trình điều tra ngoài đáp ứng các yêu cầu về pháp luật, chính trị và nghiệp vụ còn phải bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm trước pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không chủ quan, sơ hở trong xử lý tạo kẽ hở cho bọn cơ hội lợi dụng. Chính những kết quả này là hình thức hiệu quả nhất để tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân ở các khu dân cư.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân ở các khu dân cư trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Để thực hiện tốt những giải pháp đó cần sự phối hợp, tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn xã hội với vai trò nòng cốt và trọng yếu của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.