Dẫn đầu về hiệu quả đầu tư khu công nghiệp trong thời gian qua là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tại tỉnh Bình Dương. Sau 18 năm đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên hiện đang quản lý và khai thác hơn 966 ha đất, bao gồm ba dự án khu công nghiệp là dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên diện tích gần 332 ha thu hút 128 nhà đầu tư; dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng - giai đoạn 1 có diện tích hơn 288 ha thu hút 110 nhà đầu tư; dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng - giai đoạn 2 có diện tích hơn 345 ha, hiện đang triển khai thực hiện đầu tư.
Lãnh đạo Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo VRG trao đổi về các dự án khu công nghiệp.
Năm 2023, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đạt tổng lợi nhuận sau thuế hơn 300 tỷ đồng (vượt 5,5% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước 226 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), tỷ lệ chia cổ tức 60%, thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/tháng (vượt 14,3% kế hoạch).
Thành lập vào năm 2012, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình (TBIP) luôn đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch cho thuê đất hằng năm. Ðến nay, lũy kế tổng diện tích đất đã cho thuê từ đầu dự án là hơn 222 ha (chiếm 91% diện tích đất thương phẩm).
TBIP đã thu hút tổng số 94 dự án đầu tư (gồm 32 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.024 tỷ đồng và 62 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 364 triệu USD), giải quyết việc làm cho hơn 13.300 lao động, góp phần đóng góp vào an sinh xã hội cho địa phương. Năm 2023, TBIP đạt doanh thu 333 tỷ đồng (vượt 15,6% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 195,3 tỷ đồng (vượt 25,2% kế hoạch), dự kiến chia cổ tức năm 2023 là 75% (vượt 150% kế hoạch).
Với sự linh hoạt, chủ động tiếp cận mời gọi đầu tư, Khu công nghiệp Cộng Hòa đã thu hút hàng loạt các Tập đoàn lớn đến đầu tư dự án tại đây; trong năm 2023, có dự án "Nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời BoViet" với tổng vốn đầu tư là 120 triệu USD của tập đoàn Boway; Dự án "Nhà máy sản xuất Waffer Technology" của tập đoàn Waffer với giai đoạn 1 sản xuất linh kiện xe ô-tô và người máy có tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD.
Năm 2023, khu công nghiệp này đạt tổng doanh thu hơn 551 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 200 tỷ đồng. Những ngày đầu năm 2024, có 6 nhà đầu tư đã tiến hành ký MOU với VRG để triển khai các thủ tục đăng ký dự án đầu tư. Ðến nay Khu công nghiệp Cộng Hòa đã thu hút được hơn 20 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 500 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 85%.
Ðại diện Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cho biết: Với phương châm bảo đảm nền tảng hợp tác với nhà đầu tư trên cơ sở các bên cùng có lợi, xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ ngày đầu triển khai dự án, công ty xây dựng kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư; trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, công ty hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đường giao thông, điện, nước, xử lý môi trường, hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý liên quan đầu tư vào khu công nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Với các chiến lược, giải pháp nêu trên, công ty kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương và sự phát triển của VRG.
Ông Phạm Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam (chủ đầu tư Khu công nghiệp Cộng Hòa) cho biết: "Với kinh nghiệm và bài học rút ra từ thành công của giai đoạn 1, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu quy hoạch phân khu chức năng để tiến tới xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cộng Hòa giai đoạn 2 theo mô hình Khu công nghiệp "may đo", tức là sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của nhà đầu tư từ: Ðất sạch; cung ứng điện với công suất ổn định, an toàn; đáp ứng nhanh đúng yêu cầu về hạ tầng trọng yếu cho sản xuất của từng doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực đặc thù; hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng các tiêu chí đáp ứng đầy đủ quy định doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Ðồng thời, Khu công nghiệp Cộng Hòa tiếp tục khẳng định cam kết, định hướng phát triển bền vững; gắn lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội, cộng đồng, liên kết xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, văn minh, thân thiện môi trường".
Theo kế hoạch năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các đơn vị thành viên có vốn góp của tập đoàn.
Ðối với dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, tập đoàn hỗ trợ công ty tiếp tục làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để được ký hợp đồng thuê đất, triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật để đưa vào kinh doanh trong năm 2024. Ðối với các dự án Khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng, Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng, Khu công nghiệp Bắc Ðồng Phú mở rộng, tập đoàn tiếp tục hỗ trợ các công ty phối hợp sở, ban, ngành địa phương và bộ, ngành Trung ương thực hiện các nội dung giải trình để sớm hoàn thành thủ tục, đưa vào hoạt động.
Anh Bình (theo Báo Nhân Dân)