VNHN – Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, để đón nhận các cơ hội mới từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất.
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp kiên cường trụ vững trong khó khăn
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện một cuộc khảo sát đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tình hình rất bi đát. Hơn 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% doanh nghiệp không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Song, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã từng bước kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh, và nhờ đó, kịch bản xấu nhất đó đã không xảy ra, tạo tiền đề để cách đây hơn 3 tuần, Thủ tướng đã có một quyết định quan trọng và rất khó khăn, là dỡ bỏ về cơ bản tình trạng cách ly xã hội, mở cửa thị trường trong nước. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới đã làm được điều kỳ diệu này. Với quyết định mở cửa thị trường của Thủ tướng, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh.
Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI lại tiến hành một cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tất nhiên, thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch, và tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến thu hẹp quy mô cũng cao hơn, nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thì những con số này là ấn tượng và tốt hơn rất nhiều so với các con số về thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
“Một lần nữa sức sống bền bỉ, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Và một điều rất đáng trân trọng nữa, là đối với nhiều doanh nghiệp, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân – các cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ
Dù đã bước đầu bước vào giai đoạn vực dậy sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, ở thời điểm hiện tại, 69% doanh nghiệp cho biết đang bị giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp, 45% doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu dòng tiền, 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, 18% thiếu hụt lao động có kĩ năng… Khó khăn đã bớt đi nhiều so với thời điểm 1 tháng trước đây, nhưng vẫn còn lớn. Vì vậy, những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng.
“Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe và thấu hiểu tình hình doanh nghiệp, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là, bên cạnh việc tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý, như kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… cắt giảm các khoản phí, lệ phí,… hay nới “room” nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng… thì biện pháp trợ giúp quan trọng nhất, có thể làm ngay, là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ đã được ban hành.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Về các giải pháp căn bản và dài hạn hơn trong thời gian tới, Thủ tướng đã nói “trong nguy có cơ”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì nhấn mạnh: “Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển” và “Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đó là điểm tựa để vươn lên.
Nắm bắt tinh thần đó, ông Vũ Tiến Lộc nhận định trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 sẽ diễn ra trong thời gian tới, đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn.
Vì vậy theo ông Vũ Tiến Lộc, để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3; nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các ngành và các địa phương...”, ông Vũ Tiến Lộc mạnh dạn đề xuất.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự kỳ vọng việc Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà xét pháp luật, để xây dựng các phương án trình Quốc hội và Chính phủ xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý, bảo đảm sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh các dự án sản xuất kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng.
“Khi tôi hỏi nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, tôi cũng thấy họ nói một điều tương tự. Họ không xin tiền vì biết ngân sách Nhà nước rất khó khăn, họ chỉ xin cơ chế. Minh bạch hóa, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh là giải pháp cứu cánh cho các doanh nghiệp và huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn, cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thúc đẩy được “4 mũi giáp công”: đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công-tư và đầu tư công cho phát triển. Chỉ riêng việc giải ngân khẩn trương khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số tiền “trong túi” của các bộ ngành và địa phương là trên 30 tỷ đô la Mỹ, thì ta đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này. Phát huy vai trò của thể chế, huy động được tổng lực các dòng vốn đầu tư xã hội này, thì không có lí do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ.
Bộ Chính trị đang chuẩn bị ban hành quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Người đại diện cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Đảng sẽ sớm ban hành chủ trương này để trao “tấm áo giáp sắt” cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu dám dũng cảm, dấn thân, dám đổi mới, sáng tạo, đột phá vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.
Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI cùng với các bộ ngành có liên quan, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc cần phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt./.