VNHN - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục đích tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và các hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về khởi nghiệp và thí điểm một số mô hình đào tạo tại một số trường đại học và một số cơ sở GD&ĐT.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Ảnh minh họa)
Mục đích của kế hoạch năm 2020 là đẩy mạnh công tác truyền thông và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, giúp học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường.
Triển khai thí điểm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về các kỹ năng khởi nghiệp, tại một số trường đại học và một số Sở GD&ĐT. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo, các Sở GD&ĐT xây dựng môi trường trải nghiệm, hỗ trợ khởi nghiệp trên nền tảng số hóa.
Để hiểu rõ quy định của đề án cũng như triển khai hiệu quả, ông Bùi Văn Linh Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết sẽ triển khai hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các Sở GD&ĐT kết nối các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo.
Dự thảo kế hoạch có 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn.
Doanh nghiệp và sinh viên kết nối
Bộ chỉ đạo xây dựng các bài giảng cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật tài liệu và các khóa đào tạo trên hệ thống hướng nghiệp, khởi nghiệp online, kết nối cổng khởi nghiệp với tất cả cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp với nhà trường trong và ngoài nước. Tập huấn cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp về phương pháp giảng dạy và kỹ năng làm việc với sinh viên, hoàn thiện mạng lưới cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo.
Tổ chức tập huấn cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, các trường cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp.
Đề án cũng sẽ triển khai theo các giai đoạn: Giai đoạn năm 2018-2020, thí điểm xây dựng 3 mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại 3 khu vực. Giai đoạn năm 2021-2025 hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong cả nước. Xây dựng nội dung, chương trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp.
Các nhóm sinh viên thành lập doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo các kiến thức về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp 4.0./.