15/01/2025 lúc 15:19 (GMT+7)
Breaking News

Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhìn từ góc độ chính sách, pháp luật

Trong thời đại công nghiệp 4.0, năng suất lao động cao và chất lượng sản phẩm tốt luôn là yêu cầu cao nhất cần đạt được để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh và vững chắc. Đối với nước ta, vấn đề đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế nói chung, mà còn là sự đảm bảo sự phát triển vững chắc của lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước.

Ở nước ta, việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạc hậu sang nền nông nghiệp hiện đại công nghệ cao, ngoài nhân tố năng lực nội tại của ngành nông nghiệp, lấy thị trường làm động lực, thì Nhà nước là một chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập điều kiện tiền đề cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Nhà nước tạo lập điều kiện phát triển nông nghiệp CNC

Để thực hiện vai trò quan trọng này, một mặt Nhà nước gia tăng nguồn lực đầu tư để tạo lập các điều kiện mà thị trường chưa thể tạo lập hoặc tạo lập chưa đầy đủ cho việc phát triển nông nghiệp CNC;  mặt khác Nhà nước sử dụng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ nguồn lực công theo nguyên tắc cạnh tranh và tạo lập đầy đủ các loại thị trường nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp.

Cho đến nay đã có trên 10 văn bản luật liên quan đến phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, như: Luật Hợp tác xã (2012), Luật Đất đai (2013), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Sở hữu trí tuệ (2009), Luật Chăn nuôi… Bên cạnh đó, hàng trăm văn bản dưới luật, như: Quyết định 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thông tư 50/2011/TT- BNNPTNN ngày 15/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quyết định số 69/2010/QĐ-TTG ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;… đã được ban hành.

Bên cạnh các văn bản về luật, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Đề án về phát triển ngành kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Chính phủ và các bộ ngành ban hành nhiều văn bản liên quan đến thúc đẩy, triển khai áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Ngày 29/01/2010 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 176/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; ngày 17/12/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Theo đó, xác định tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết…

Những nỗ lực lớn đó của Đảng và Nhà nước ta là nhằm tạo điều kiện để nền nông nghiệp CNC được đầu tư phát triển. Trong đó tập trung vào một số vấn đề cụ thể, thiết thực sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất. Về mặt pháp lý, Nhà nước thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người dân sử dụng. Người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp để canh tác, cho thuê, góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp vay vốn ngân hàng để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiêp theo quy định của pháp luật… Những quy định đó tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại.

Thứ hai, hỗ trợ về vốn trong phát triển.  Nhà nước đã có những chính sách về vấn đề này, như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP,ngày 7-3-2017, của Chính phủ, về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018, của Chính phủ, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao…

Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đến nay, ngành nông nghiệp triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, đạt 75% kế hoạch. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đào tạo 1,15 triệu - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so với mục tiêu. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, nâng cao thu nhập đạt trên 90%. Nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đó.

Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học - công nghệ theo hướng thị trường, từng bước hình thành thị trường khoa học - công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 5-9-2005, của Chính phủ, Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, hoặc doanh nghiệp khoa học - công nghệ theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, ngày 19-5-2007, của Chính phủ, về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đã tạo cơ sở cho các tổ chức khoa học - công nghệ thay đổi cách thức hoạt động, chú trọng tới thị trường và khách hàng nhiều hơn...

Thứ năm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước. Đối với thị trường ngoài nước, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a…

Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong quá trình đầu tư phát triển nền nông nghiệp CNC, hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế rất cần phải khắc phục.

Trước hết, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm. Quy mô diện tích bình quân một mảnh ruộng vẫn thấp, chưa đủ lớn để ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Điều này là do thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp còn phức tạp, nội dung nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, lạc hậu, mâu thuẫn với nhau; cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai còn thiếu chính xác, chưa cập nhật kịp thời, khả năng tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn nhiều hạn chế, chưa cung cấp được thông tin đầy đủ, chính xác về đất nông nghiệp với chi phí thấp để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Một hạn chế nữa là, việc tiếp cận vốn và tín dụng ưu đãi đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó khăn. Trên thực tế, người đi vay cần đáp ứng khá nhiều thủ tục theo yêu cầu của các ngân hàng, như phương án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp, khả năng trả nợ,… khiến doanh nghiệp, người nông dân cảm thấy rất khó vay được tiền của ngân hàng.

Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao vừa thiếu, vừa yếu. Hiện có khoảng 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong nông nghiệp nói riêng. Điều này cho thấy, hiệu quả một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp còn thấp.

Trong khi đó, cơ chế quản lý khoa học - công nghệ vẫn còn mang nặng tính bao cấp, chưa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở nghiên cứu. Cơ chế phân bổ đề tài nghiên cứu khoa học ở một số nơi vẫn còn nặng tính bao cấp, xin - cho, phân bổ theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, dẫn đến hiện tượng “cai”, “thầu” các đề tài nghiên cứu, thủ tục xét duyệt kinh phí đề tài còn phức tạp. Một số hoạt động nghiên cứu còn xa rời thực tiễn, chưa bám sát yêu cầu hoặc chưa giải quyết kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có hiệu quả ứng dụng thực tiễn không cao… Kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vận chuyển, kho bảo quản, công nghệ chế biến nông sản.

Thêm nữa, thể chế chính sách, pháp luật về lĩnh vực này còn bất cập, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, về bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu…

Những giải pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC

Điều quan trọng nhất là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ một cách thiết thực; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội  về vai trò và tác động của công nghệ cao. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản làm nòng cốt thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường…  

Việc hoàn thiện pháp luật về đất đai cần quan tâm thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng nới rộng hạn điền cho các chủ thể trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin liên quan đến sử dụng đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Với những giải pháp cụ thể, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hình thành cơ sở dữ liệu số có bảo đảm tính pháp lý về đất đai, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về đất đai cho người dân và doanh nghiệp để phát triển thị trường chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ toàn diện đối với các cơ sở nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp để phát huy tính năng động sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học trong nông nghiệp, gắn kết hoạt động nghiên cứu với những giải pháp kỹ thuật công nghệ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở đào tạo nghề cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn, gắn hoạt động đào tạo nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động bằng cách cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia quá trình đào tạo nghề; trao quyền lựa chọn, đánh giá chất lượng đào tạo lao động cho người học đối với những chương trình đào tạo được tài trợ bằng kinh phí của Nhà nước./.

TS Đặng Thạch

...