Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Kim Động (Hưng Yên) đã huy động được 3.700 tỷ 820,66 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu năm 2019 đạt 53 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2011.
Huyện Kim Động đang thay da đổi thịt từng ngày.
Ngày 13.10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1582/QĐ-TTg, công nhận huyện Kim Động đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Có thể nói, đây là kết quả đáng tự hào, là sự ghi nhận những nỗ lực mà các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện đã phấn đấu suốt thời gian qua. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội Nhập có dịp gặp gỡ, trao đổi với đồng chí Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Kim Động.
PV: Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của huyện nhà trong Chương trình xây dựng NTM thời gian qua?
Đồng chí Bùi Văn Phúc: Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Kim Động đã đạt được những kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay. Tại các xã từ trụ sở làm việc, trường học, trạm xá, nhà văn hóa và nhiều hạng mục công trình phúc lợi công cộng được đầu tư, nâng cấp, xây mới khang trang, bề thế hơn; mạng lưới giao thông khá đồng bộ và hoàn chỉnh, kết nối giữa các địa phương trong và ngoài huyện đã giúp cho việc đi lại, trao đổi, mở mang ngành nghề, dịch vụ của người dân được thuận lợi, dễ dàng hơn. Việc dồn thửa đổi ruộng gắn với quy hoạch thủy lợi, mương máng chỉnh trang đồng ruộng đã tạo động lực mới, khuyến khích người dân mở rộng đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Kết quả thực hiện nông thôn mới năm 2019 so với năm 2011: Toàn huyện có 16/16 xã nông thôn mới (đạt 100%), đạt 19 tiêu chí/xã tăng 13,4 tiêu chí/xã so với xuất phát điểm năm 2011; thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp 2,3 lần so với năm 2011; giá trị thu/ha canh tác tăng lên gấp 1,7 lần so với năm 2011; thành lập mới được 17 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp so với năm 2011 chưa có HTX chuyên về sản xuất nông nghiệp; diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGap năm 2019 là 238,04 ha so với năm 2011 chưa có; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo 17 xã, thị trấn (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm còn 1,8 %; năm 2011 theo chuẩn nghèo đơn chiều là 11,48%; 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 80% số hộ sử dụng nước sạch (75% hộ sử dụng nước sạch do các nhà máy nước sạch cung cấp).
Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp góp phần nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan trong nông thôn được coi trọng, đạt nhiều kết quả. Đến nay, huyện đạt 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Để thực hiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Kim Động đã chú trọng những gì?
Đồng chí Bùi Văn Phúc: Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Kim Động đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành. Huyện đã xây dựng, triển khai các Nghị quyết, các Chương trình, Đề án để phát triển toàn diện, trong đó tập trung vào 07 vấn đề chính như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển nhanh kinh tế nông thôn.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhất là vùng nông thôn; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.
Công tác chỉ đạo, điều hành được chú trọng ở cả 3 cấp huyện, xã, thôn. Việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện được chú trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được quan tâm.
PV: Tới đây, huyện sẽ làm gì để chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường nhằm bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Thủ Tướng?
Đồng chí Bùi Văn Phúc: Đối với tiêu chí về sản xuất, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hợp tác xã, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và đảm bảo cảnh quan môi trường nông thôn, xử lý chất thải vỏ, bao bì thuốc BVTV, các phế phẩm, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp (bầu cây, túi bọc quả...); phấn đấu có ít nhất 02 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả; không có hộ nghèo, trừ trường hợp bảo trợ xã hội theo quy định hoặc bị tai nạn rủi ro bất khả kháng, bệnh hiểm nghèo.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh; phấn đấu tỷ lệ rác thải rắn được thu gom và xử lý đúng theo quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt 50% trở lên.
Phát động và duy trì các phong trào dọn vệ sinh môi trường vào các ngày thứ 7 hàng tuần và 30 hàng tháng; thường xuyên trồng, chăm sóc, bảo vệ phát triển diện tích hoa đã trồng ở các trục đường giao thông, công sở các xã, thị trấn đảm bảo có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, thôn có rãnh thoát nước và được trồng cây xanh bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến tạo đẹp cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Thành lập và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ đội tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng, câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.
Tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải trong quá trình hoạt động đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.
Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; phấn đấu đạt từ 90% trở lên số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện việc xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn đảm bảo bền vững.
Hướng tới việc đầu tư xây dựng một số mô hình điểm về xử lý nước thải khu vực dân cư nông thôn, sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
PV: Xin cảm ơn ông!