27/12/2024 lúc 16:05 (GMT+7)
Breaking News

"Đánh thức" tiềm năng Hà Tĩnh:  Bắt đầu từ lương duyên giữa Cảng quốc tế Lào - Việt với Tân Cảng Sài Gòn

Những năm gần đây, Hà Tĩnh nổi lên với vai trò là trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 12. Không chỉ vậy, Hà Tĩnh có rất nhiều thế mạnh từ kinh tế biển và một thị trường Logistic đầy tiềm năng.

Những năm gần đây, Hà Tĩnh nổi lên với vai trò là trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 12. Không chỉ vậy, Hà Tĩnh có rất nhiều thế mạnh từ kinh tế biển và một thị trường Logistic đầy tiềm năng.

TCT Tân cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác

Hệ sinh thái logistics của Hà Tĩnh có gì?

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, Hà Tĩnh có đầy đủ “điều kiện cần” để phát triển hệ sinh thái logistics. Trước hết, Hà Tĩnh là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung Bộ và một phần của Lào, Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, có vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế.

Thứ đến, cơ sở hạ tầng kết nối thông suốt liên vùng, đa phương tiện như kết nối sân bay Vinh và Đồng Hới; tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng sẽ được đầu tư; đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai.

Đặc biệt, quy hoạch Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng thực sự trở thành KKT đa chức năng, là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Cũng cần nói thêm, những năm gần đây Hà Tĩnh trở thành “điểm đến đầu tư” đầy triển vọng, hiện nằm trong các tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới với nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản An Việt Phát, các dự án của Vingroup… Cùng với đó, điều kiện đủ là chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh Hà Tĩnh hợp tác cùng với TCT Tân Cảng Sài Gòn để phát triển trung tâm Logistics tại Vũng Áng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: Hà Tĩnh hiên đã có hai bến cảng cùng 15 cầu cảng đang khai thác. Trong đó, cảng Sơn Dương đã đón tàu chuyên dùng 200.000 tấn; cảng Vũng Áng đón tàu từ 30.000 - 61.000 tấn.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300.000 tấn, hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn và tàu container trọng tải đến 61.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Nói thêm về tiềm năng của Hà Tĩnh, ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay, hiện nay Hà Tĩnh có 2 KKT, 3 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động.

Tại Hà Tĩnh đã có nhiều nhà máy có sản lượng hàng hóa lớn như nhà máy thép Formosa với công suất 7 triệu tấn thép và phôi hợp/năm; Nhóm nhà máy sợi, may mặc nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và hàng xuất đi khoảng 1.500 container/năm. Nhóm nhà máy chế biến gỗ nhu cầu sản phẩm đầu ra khoảng 4.200 container/năm, các cụm công nghiệp khác quy mô khoảng 600 - 1.000 container/năm.

Giai đoạn hiện nay, sản lượng hàng hóa nhu cầu hàng container khoảng 7.000 - 8.000 container/năm sẽ tiếp tục tăng mạnh khi thu hút đầu tư của Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đạt 15 - 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Ai đặt nền móng cho mối lương duyên với Tân Cảng Sài Gòn?

Còn nhớ, 5 năm trước, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật là người luôn tâm huyết xây dựng tuyến container đầu tiên tới Vũng Áng. Trước đó, ông từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nên đã nhìn thấy rõ tiềm năng kinh tế biển khu vực này. Đến nay, những chuyến tàu container của Tân Cảng Sài Gòn hàng tuần ra vào làm hàng tại Vũng Áng đã thực sự minh chứng cho sự thành công bước đầu trong việc đánh thức kinh tế biển cho Hà Tĩnh.

Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng nhận định Cảng biển Hà Tĩnh sẽ thu hút mạnh nguồn hàng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Lào, Thái Lan và ngược lại (riêng luồng hàng từ Lào, Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Trung Quốc, sản lượng cả năm 2021 dự kiến sẽ tăng 92% so với năm 2020); Tiềm năng là cửa ngõ logistics cho thị trường Lào (do Lào là quốc gia không có biển) và thị trường Đông Bắc Thái Lan.

Số liệu thống kê cho thấy, từ khi chuyến tàu container đầu tiên vào Cảng quốc tế Lào - Việt ngày 10/4/2021 đến nay, công ty Cổ phần vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) đã vận hành hoàn thiện tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối hàng hoá Hải Phòng - Vũng Áng (Hà Tĩnh)- Hồ Chí Minh và ngược lại.

Hiện tại, bên cạnh vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu cho khách hàng Formosa, tuyến dịch vụ đường biển này đã thu hút được một lượng lớn khách hàng hàng quá cảnh phân bón Kali, quặng titan đóng bằng container tại Vũng Áng chuyển xuất khẩu qua các cảng Hải Phòng đi các nước như Trung Quốc, Phillipine….

Ở chiều ngược lại, hàng nhập khẩu từ Lào và hàng Gỗ ván ép vận chuyển về Hồ Chí Minh bằng đường biển để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản xuất. Với tần suất ghé 2-4 chuyến/tháng, Tan Cang Shipping và cảng Quốc Tế Lào Việt (Vũng Áng) đem đến cho các doanh nghiệp trên địa bàn và các Tỉnh trong khu vực một lựa chọn mới, tối ưu chi phí hơn góp phần đa dạng các phương thức vận tải. Hàng hoá được vận chuyển từ nước bạn Lào qua các cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị) đều rất thuận tiện trong kết nối giao thông đến Cảng Quốc tế Lào Việt.

Từ khi hoạt động đến nay đã có 14 chuyến tàu container Tân Cảng ra vào làm hàng tại cảng Vũng Áng

Bên cạnh phương án vận tải tàu hàng rời, hàng xá, vốn đã là thế mạnh của cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương với sản lượng thông qua lên tới 32 triệu tấn trong năm 2020, tuyến dịch vụ vận tải container của Tân Cảng Shipping có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác hai nước Việt Nam- Lào. Tận dụng hành lang kinh tế Đông Tây và kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với hệ thống Cảng biển chính ở Hải Phòng và Hồ Chí Minh, tuyến vận chuyển container qua Cảng quốc tế Lào Việt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, quốc tế.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của UBND, các cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh và nhiều khách hàng xuất nhập khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận đang rất quan tâm đến tuyến dịch vụ mới này, Tân Cảng Shipping kỳ vọng sẽ nhanh chóng tăng tần suất vận chuyển container qua cảng Vũng Áng lên 1-2 chuyến/tuần. Từ đó, vừa kết nối hàng hoá cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí, tạo tiền đề để phát triển trụ cột kinh tế biển, đóng góp cho sự phát triển chung của Kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, của Việt Nam.

Trước đó, ngày 10/4/2021, TCT Tân cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có các giải pháp phối hợp đồng bộ, cụ thể là việc ký biên bản hợp tác và triển khai đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Vũng Áng. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp trong việc liên kết giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tân cảng Sài Gòn thông qua Công ty cổ phần cảng quốc tế Lào-Việt và Công ty cổ phần vận tải biển Tân cảng.