VNHN - Bộ Công Thương khẳng định đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường. Bộ đã xây dựng kịch bản xấu nhất để đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ảnh minh họa
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Chủ động nguồn cung
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng yêu cầu thị trường, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch, thậm chí đã xây dựng cả những “kịch bản xấu nhất” để đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa thiết yếu diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Vậy, xin bà cho biết cụ thể về công tác này?
Bà Lê Việt Nga: Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, để ứng phó với dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều công việc nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Theo đó, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo điều hành đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các hệ thống phân phối lớn về công tác ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, Bộ đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (như gạo, thịt, dầu ăn, gia vị, rau củ…) trong hệ thống phân phối của mình, đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan, như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức các đoàn kiểm tra các siêu thị, trung tâm phân phối lớn, chợ để đánh giá tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý các bất ổn của thị trường.
Đến nay nhiều tỉnh đã có báo cáo về phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch bệnh trong các trường hợp dịch bệnh có diễn biến xấu.
Ngay với trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc, khi tỉnh có 1 xã phải thực hiện việc cách ly nhưng Sở Công Thương đã chủ động thực hiện các phương án bảo đảm nguồn hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho địa bàn này thông qua các điểm bán hàng lưu động của doanh nghiệp.
- Vậy nguồn cung các loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân hiện nay ra sao? Có khan hiếm không?
Bà Lê Việt Nga: Cho đến thời điểm hiện nay, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân đang được đưa ra thị trường rất đầy đủ, chủng loại phong phú, giá cả tương đối ổn định so với trước Tết Nguyên đán, một số loại giá tăng do tính chất mùa vụ và tác động của sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đang đạt đỉnh nên hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu.
Mỗi năm, nước ta sản xuất 50 triệu tấn lương thực, sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,5 triệu tấn, 8 triệu tấn cá, 40-50 tấn rau quả. Nhiều sản phẩm nông sản sản thuộc top đầu thế giới.
Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD…
Bên cạnh đó, ngoài lượng gạo dự trữ quốc gia, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, hiện lượng gạo dự trữ lưu thông tối thiểu của các doanh nghiệp luôn ở mức tương đương 5% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó của doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp phân phối cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Còn hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống, hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường...
Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Ngoài ra, hàng hóa được đưa về các chợ truyền thống tương đối dồi dào. Tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên tại các thành phố lớn, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn.
Xử nghiêm đầu cơ, tăng giá
- Thực tế, ngay sau khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố trong đêm 6/3 thì sáng 7/3 đã diễn ra tình trạng một bộ phận người dân thu mua gom hàng hóa lương thực, thực phẩm để tích trữ. Theo bà, nguyên nhân do đâu đã dẫn đến tình trạng này?
Bà Lê Việt Nga: Trước thời điểm 6/3, chúng ta đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh trong nước, tâm lý người dân đang dẫn chuyển sang trạng thái yên tâm khi hết dịch, nhiều địa phương đã bắt đầu chuẩn bị cho việc cho học sinh Trung học phổ thông trở lại trường học từ ngày 9/3.
Tuy vậy, trong đêm 6/3 và sáng 7/3, sau khi xuất hiện thông tin Hà Nội có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên khiến người dân khá bất ngờ, lo lắng nên đổ xô đi mua hàng tích trữ vì lo ngại sự bùng phát của dịch bệnh.
Để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối và Sở Công Thương Hà Nội triển khai ngay các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trước mắt là tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm cung ứng liên tục hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tăng mạnh của người dân.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố và Sở Công Thương Hà Nội để chỉ đạo trực tiếp việc tăng cường các biện pháp cung ứng hàng hóa cho thị trường, kiểm tra kiểm soát thị trường và tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ cung cấp nguồn hàng cho thành phố Hà Nội, thông tin tuyên truyền để người dân không hoảng loạn và mua gom hàng hóa tích trữ gây bất ổn thị trường.
Đến chiều tối ngày 7/3, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh.
- Từ thực tế của Hà Nội, ngành Công Thương đã triển khai các giải pháp gì để tình trạng này không xảy ra ở các địa phương khác trên cả nước?
Bà Lê Việt Nga: Ngoài các văn bản chỉ đạo trước đây mà các địa phương đang triển khai, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp phân phối có các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 trong mọi tình huống, theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; có phương án hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực cách ly, các hình thức mua bán hàng hóa thông thường sẽ không phù hợp nên Bộ đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
- Cùng với việc đảm bảo đủ hàng hoá nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong mọi tình huống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá cả, xử nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trái luật.” Vấn đề này được Bộ Công thương triển khai như thế nào?
Bà Lê Việt Nga: Khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường tăng mạnh, thường rất dễ xảy ra các hiện tượng gian lận thương mại như tăng giá hàng bất hợp lý, bán hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, tăng cường kiểm tra, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, các kênh bán hàng trực tuyến để xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý và kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Hiện, quản lý thị trường đã và đang triển khai rất tích cực các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung.
Trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ, như đường, sữa, dầu ăn… nên nguồn cung hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.
Theo tôi, chỉ cần tâm lý người dân không hoảng loạn, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
- Xin cảm ơn bà./.