Đặt vấn đề
Theo UNFPA, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”[2]. Tốc độ già hóa dân số nhanh đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít thời gian hơn để điều chỉnh các chính sách. Thu nhập - yếu tố cơ bản đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi - chưa được đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân và khả năng đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Quyền được hưởng an sinh xã hội là một trong những quyền kinh tế, xã hội cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 và trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Người cao tuổi luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, thể hiện bằng nhiều chính sách, chương trình lớn dành cho người cao tuổi. Trong thực tế chúng ta đang tìm các biện pháp chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế, có tính khả thi để đảm bảo thu nhập cho NCT. Phần trình bày dưới đây, tác giả nêu lên thực trạng về sự gia tăng NCT, các nguồn thu nhập, khoảng trống chính sách và kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc đảm bảo thu nhập cho NCT làm căn cứ đưa ra các kiến nghị chính sách.
1. Thực trạng người cao tuổi trong cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê (2021) thì trong giai đoạn 2009-2019, tính trung bình trong giai đoạn này, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm, dân số cao tuổi[3] tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương ứng với tăng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng thêm chiếm gần 40% tổng dân số tăng thêm. Trong số NCT tăng thêm, nhóm NCT sơ lão (60-69) có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đó là nhóm NCT đại lão (từ 80 tuổi trở lên)[4].
Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2009-2069 (GSO, 2020) số lượng NCT sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,5% tổng dân số) vào năm 2029; 22,29 triệu người (chiếm 20,21% tổng dân số) vào năm 2038; 28,61 triệu người (chiếm 24,88% tổng dân số) vào năm 2049 và 31,69 triệu người (chiếm 27,11% tổng dân số) vào năm 2069. Sự gia tăng của dân số cao tuổi chủ yếu do sự gia tăng của nhóm trung lão và đại lão. Một điểm rất đáng chú ý là, tương tự như xu hướng của hai cuộc tổng điều tra 2009 và 2019, kết quả dự báo dân số cũng cho thấy tuổi càng cao thì tỷ lệ NCT sống ở nông thôn càng cao (đồng nghĩa với tỷ lệ sống ở thành thị càng giảm); tuổi càng cao thì tỷ lệ sống ở nông thôn của phụ nữ cao tuổi càng lớn hơn nam giới cao tuổi. Các xu hướng này một lần nữa khẳng định cần quan tâm tới việc lập kế hoạch và triển khai các dịch vụ liên quan tới NCT ở nông thôn, đặc biệt các dịch vụ cho nhóm đại lão và phụ nữ cao tuổi, như các dịch vụ chăm sóc dài hạn.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (2021) thì Việt Nam chỉ còn 16 năm nữa để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già (2023-2039). Đây là khoảng thời gian rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
2. Mức sống, thu nhập của người cao tuổi và những vấn đề đặt ra
Tỷ số phụ thuộc tuổi già của Việt Nam – cho biết cứ 100 người trong độ tuổi lao động (15-64) thì “hỗ trợ” bao nhiều người từ 65 tuổi trở lên - ước tính sẽ tăng gấp đôi, từ 11 vào năm 2019 lên 22 vào năm 2039[6]. Ở cả hai cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 và 2019, khoảng 35% NCT vẫn đang làm việc tạo thu nhập và có sự tương đồng về tỷ lệ làm việc tạo thu nhập. Phần lớn NCT là lao động dễ tổn thương (gồm có lao động tự làm và lao động gia đình), trong khi tỷ lệ là lao động làm công ăn lương thấp. Có sự khác biệt rõ rệt theo giới tính, độ tuổi và khu vực sống: tuổi càng cao thì tỷ lệ làm việc càng thấp; phụ nữ có tỷ lệ làm việc thấp hơn nam giới; và NCT thành thị có tỷ lệ làm việc thấp hơn NCT nông thôn. Những khác biệt này có thể được giải thích bằng nhiều nguyên nhân như tuổi càng cao thì sức khỏe thể chất càng kém đi nên tỷ lệ làm việc ngày càng thấp.
Giữa các nhóm cao tuổi cũng có sự khác biệt, trong đó những người cao tuổi hơn, phụ nữ cao tuổi và NCT nông thôn có tỷ lệ làm công ăn lương thấp hơn hẳn các nhóm NCT trẻ hơn, nam giới cao tuổi và NCT thành thị. Phần lớn NCT hiện nay đang tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương, trong đó NCT cao tuổi hơn, phụ nữ và NCT nông thôn có tỷ lệ cao hơn các nhóm còn lại. Đây là một chỉ báo rất quan trọng trong chính sách an sinh thu nhập nói riêng và an sinh xã hội nói chung cho NCT.
Chiếm tỷ lệ trên 11% dân số nhưng phần lớn NCT có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân, đời sống NCT nhìn chung còn rất khó khăn. Tại Việt Nam, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp lại bấp bênh. Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Trong số NCT tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều NCT sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của NCT, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở NCT là 23,5%[7]. Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT, chưa có hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn NCT.
Thực tế, các nguồn thu nhập chủ yếu của người cao tuổi hiện nay vẫn là đến từ nguồn hỗ trợ của con cái và công việc họ tự tạo ra, còn các nguồn từ lương hưu, trợ giúp xã hội, tiết kiệm hay các nguồn trợ giúp khác còn rất hạn chế. Theo một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi Bộ Y tế và các tổ chức khác (2021) thì nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%. Dù vậy, nhưng với áp lực tăng tuổi thọ, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn hơn, tác động của đô thị hóa thì tới đây hỗ trợ từ gia đình, con cái cho người cao tuổi cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%. Vì vậy, nếu không có con cái hỗ trợ và không còn đủ sức khỏe để làm việc thì sẽ có rất nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo[8]. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo 11,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước)[9].
Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, cần quan tâm đến nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an ninh thu nhập. Tuy nhiên trên thực tế, người cao tuổi ở Việt Nam rất khó để có thu nhập. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, theo đánh giá nhanh của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, đại dịch làm giảm thu nhập của người cao tuổi, trung bình xuống đến 41%. Hiện nay, hệ thống lương hưu của Việt Nam cũng tồn tại khoảng trống rất lớn giữa những người tham gia bảo biểm xã hội với nhóm phi chính thức. “Khi người lao động không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội nào, sau này về già họ sẽ không có lương hưu. Độ bao phủ đối với lương hưu cho người cao tuổi tính đến năm 2021 trên cơ sở đóng góp mới chỉ có hơn 2 triệu người”. Cũng theo chuyên gia chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nếu chỉ nói đến chế độ hưu trí, số người cao tuổi không nhận được lương hưu đã chiếm khoảng 76%. Đây là kết quả của tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp, số người không tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2021 trong toàn bộ lực lượng lao động chiếm đến 63%, sau này chính những người này sẽ không có lương hưu đóng góp. Như vậy, nếu họ rơi vào nhóm nghèo thì họ sẽ được nhận lương hưu trên cơ sở không đóng góp, tuy nhiên cũng phải nhìn thấy rằng, lương hưu trên cơ sở không đóng góp (lương hưu xã hội) cũng đang ở mức tương đối thấp[10].
3. An sinh thu nhập cho người cao tuổi và những khoảng trống về chính sách.
Tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song nhiều chính sách dành cho NCT nước ta chưa được quan tâm thỏa đáng, vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi. André Gama, chuyên gia ILO, nhận định “Nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong lương lai sẽ có một tỷ lệ lớn người cao tuổi không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào. Gánh nặng đặt lên con cái họ sẽ ngày càng lớn hơn nữa”[11]. Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu về tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cũng như mở rộng đối tượng những người được hưởng hưu trí. Tuy nhiên, để làm được điều này cần hỗ trợ nhiều hơn và tăng đầu tư cho an sinh xã hội. Việc hỗ trợ cũng cần đảm bảo ở mức thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NCT.
Thực tế, hiện nay mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo. Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP. Ông André Gama cho rằng “Đây là mức rất thấp so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Mức này chưa đảm bảo những người hưởng có thể thoát nghèo, trong khi mức hưởng phải ít nhất giúp họ trang trải một phần chi tiêu”. Trong bối cảnh đó, phân bổ ngân sách cho trợ cấp xã hội đối với NCT tại Việt Nam cần tham khảo mức trợ cấp của các quốc gia khác trong khu vực có mức phát triển tương đồng để điều chỉnh cho phù hợp.
Một khoảng trống chính sách nữa là độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, những người 80 tuổi trở lên hiện nay đang được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hoặc hưởng lương hưu BHXH (theo Nghị quyết số 114/NQ-CP phiên họp Chính phủ tháng 7 năm 2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi). Những người cao tuổi, dưới tuổi 75, nhiều người chưa thuộc diện bao phủ chính sách cần được xem xét đầy đủ về hoàn cảnh, nhu cầu và nguyện vọng để đưa vào mạng lưới an sinh xã hội, đảm bảo thu nhập trong thời gian tới. Đây là một khoảng trống cần phải thu hẹp[12].
Trong khi người cao tuổi không dễ dàng để tìm được công việc phù hợp thì các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Người lao động cao tuổi có ít lựa chọn việc làm. Chính sách vẫn chú trọng đến tạo việc làm cho người trong độ tuổi lao động mà chưa quan tâm đầy đủ đến việc làm cho NCT. Trong tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi[13]. Đây là nhận thức tuy muộn nhưng có ý nghĩa cần sớm triển khai và có sự điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu lao động, tạo thu nhập cho NCT.
4, Kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi và bài học tham chiếu với Việt Nam.
Carla Henry và Matias Golman (2021) sử dụng dữ liệu đảm bảo việc làm và thu nhập cho đến khi về già thu thập từ 35 quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập trung bình cao đã cho thấy, tất cả các nước này đều sẽ phải đối mặt với dân số già trong vòng 10 đến 30 năm. Kết quả phân tích nhân tố cho thấy mức sống và hiệu quả của bảo trợ xã hội ở một quốc gia là hai yếu tố cơ bản. Để so sánh giữa các quốc gia, các tác giả sử dụng các tiêu chí tỷ lệ phổ biến của việc làm chất lượng thấp và nghèo đói kết hợp với bất bình đẳng. Cuối cùng, đối với bất bình đẳng giới, khoảng cách giới trong việc làm là yếu tố chính, bao gồm sự khác biệt về giới trong việc tham gia lực lượng lao động và sự chuẩn bị cho việc làm của thanh niên, cả hai đều ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập suốt đời và thu nhập hưu trí[14].
Nghiên cứu dựa trên mô hình khái niệm rằng an ninh thu nhập của NCT ở một quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự chuẩn bị tương đối của xã hội và nền kinh tế của quốc gia đó để mang lại an ninh sức khỏe và thu nhập cho dân số già. Ngược lại, điều này phụ thuộc phần lớn vào sự vững mạnh của nền kinh tế, các cơ hội việc làm chính thức và chế độ an sinh xã hội có được trong những năm làm việc của một người. Tuy nhiên, ngay cả trong các quốc gia, sự bất bình đẳng tạo ra các lỗ hổng phân phối cho một số nhóm, có xu hướng tích lũy trong suốt cuộc đời. Sự khác biệt về giới trở nên rõ ràng khi phụ nữ già đi và phụ nữ có nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng bất ổn về thu nhập khi về già hơn nam giới.
Không có biện pháp duy nhất nào cho an ninh thu nhập tuổi già hoặc cho sự sẵn sàng của một quốc gia trong việc cung cấp an ninh như vậy. Thông qua phân tích nhân tố, các tác giả đã xác định được số lượng các khía cạnh góp phần chuẩn bị cho an ninh thu nhập tuổi già giảm đi. Các phát hiện cho thấy rằng việc chuẩn bị cho an ninh thu nhập tuổi già cần được xem xét từ nhiều khía cạnh, có thể chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu tương đối về mức độ chuẩn bị của một quốc gia là sự sẵn sàng của xã hội, bất bình đẳng trong phân phối và khoảng cách giới trong việc làm. Trong những khía cạnh này, các tác giả đề xuất thêm các yếu tố bổ sung, kết hợp các khía cạnh việc làm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu suất việc làm là một thành phần quan trọng trong việc xác định mức độ sẵn sàng của mỗi quốc gia để mang lại an ninh thu nhập tuổi già. Họ cũng gợi ý rằng các quốc gia cần xem xét các chính sách và hiệu suất việc làm như một phần không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng năng lực nhằm mang lại an ninh thu nhập trong tương lai cho nhóm dân số cao tuổi, chẳng hạn như thông qua việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi vào các chế độ hưu trí liên quan đến việc làm chính thức. Các chính sách việc làm cũng nên nhằm tăng cường sự tham gia của thị trường lao động trong suốt cuộc đời. Những bất lợi trải qua ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời có tác động tích lũy vào thời điểm một cá nhân đến tuổi hưởng lương hưu. Khi bắt đầu hoạt động việc làm của một người, các chính sách nên tập trung vào việc kết nối cơ sở đào tạo và cơ hội việc làm. Các chính sách khuyến khích kéo dài thời gian tự nguyện trên thị trường lao động cũng phù hợp trong bối cảnh lực lượng lao động già đi.
Sự khác biệt tương tự cũng được tìm thấy trong tình trạng dễ bị tổn thương về mặt phân bổ liên quan đến sự khác biệt về chất lượng công việc (tỷ lệ lao động phi chính thức, lương thấp hoặc tự làm chủ cao hơn), bất bình đẳng và nghèo đói, bên cạnh khoảng cách giới trong giáo dục, việc làm sớm và tham gia lực lượng lao động trong thời kỳ độ tuổi lao động. Các chính sách mở rộng và tăng cường các chương trình an sinh xã hội cho lao động phi chính thức cần đi đôi với việc ưu tiên chi tiêu công thỏa đáng cho những nhóm này. Các phương pháp tiếp cận chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong tình trạng nghèo đói ở tuổi già phải bắt đầu sớm trong cuộc đời, bao gồm cả trong quá trình chuyển đổi từ trường học sang công việc. Họ cũng phải giải quyết những tác động bất lợi của định kiến giới giới hạn các lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ và mức độ tham gia lực lượng lao động.
Masanobu Masuda và Katsuhisa Kojima (2001) phân tích lợi ích và gánh nặng của các dịch vụ xã hội xét theo chu kỳ sống cũng như phân bổ thu nhập theo nhóm tuổi và thảo luận các vấn đề của hệ thống an sinh xã hội cần giải quyết trong tương lai. Đặc điểm của hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi đã thay đổi từ hỗ trợ cho người nghèo sang các chính sách chung và phổ cập, theo đó bất kỳ ai có nhu cầu trợ giúp đều có thể nhận được các dịch vụ và trợ cấp xã hội bất kể thu nhập của họ như thế nào. Theo “Điều tra an sinh xã hội” do Bộ Y tế và Phúc lợi thực hiện năm 1957, trước khi ban hành Luật Hưu trí Quốc gia, 83% người trên 70 tuổi sống dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Hiện tại 60% thu nhập hộ gia đình được cung cấp bởi lương hưu công cộng và chỉ 4% đến từ tiền trợ cấp của các thành viên trong gia đình. Người cao tuổi đã phụ thuộc vào hệ thống lương hưu như một nguồn thu nhập chính. Các quyền lợi an sinh xã hội cho người cao tuổi đã được mở rộng trong những năm gần đây. Phần của họ chiếm khoảng 2/3 tổng lợi ích an sinh xã hội. Tuy nhiên, có sự chuyển giao thu nhập quá mức từ các thế hệ lao động sang người già. Trong thời gian tới cần đánh giá lại, xem xét lại quyền lợi và mức độ gánh nặng đối với người cao tuổi và điều chỉnh các chương trình khác nhau như hưu trí, y tế, bảo hiểm chăm sóc dài hạn để hệ thống an sinh xã hội hoạt động hiệu quả hơn, giảm bớt gánh nặng đối với các thế hệ lao động và do đó bảo đảm lợi ích và gánh nặng công bằng giữa các thế hệ khác nhau[15].
ILO (2014) đánh giá các nguồn đảm bảo thu nhập đáng tin cậy đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với NCT. Khi mọi người già đi, họ có thể ngày càng ít phụ thuộc vào thu nhập từ việc làm vì một số lý do: trong khi các chuyên gia có trình độ học vấn cao thường có thể tiếp tục các công việc được trả lương cao cho đến cuối đời, thì phần lớn dân số thường không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, công việc được trả lương ở tuổi lớn hơn. Tiết kiệm và tài sản cá nhân (bao gồm cả quyền sở hữu nhà ở) tạo ra sự khác biệt, nhưng đối với hầu hết mọi người thường không đủ để đảm bảo mức thu nhập đảm bảo phù hợp cho đến cuối đời. Tiền cá nhân, hỗ trợ từ gia đình có thể quan trọng như một nguồn đảm bảo thu nhập bổ sung nhưng thường không đủ và không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, đặc biệt đối với các gia đình đang phải vật lộn để sống với thu nhập thấp.
Vì tất cả những lý do này, ở nhiều quốc gia, hệ thống lương hưu công cộng đã trở thành nền tảng mà trên đó ít nhất là an ninh thu nhập cơ bản đã được xây dựng. An ninh thu nhập ở tuổi già cũng phụ thuộc vào sự sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội được cung cấp công khai, được cung cấp miễn phí hoặc với chi phí thấp, bao gồm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn. Nếu không được cung cấp khả năng tiếp cận an toàn và hợp túi tiền đối với các dịch vụ như vậy, người cao tuổi và gia đình họ thường bị đẩy vào cảnh nghèo đói.
Vai trò quan trọng của bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi được ghi nhận trong Khuyến nghị về Sàn bảo trợ xã hội (Số 202), được thông qua vào năm 2012 bởi chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và người lao động của 185 Quốc gia thành viên của ILO, và sau đó được G20 thông qua. Khuyến nghị hướng dẫn các quốc gia trong việc thiết lập sàn an sinh xã hội do quốc gia xác định nhằm đảm bảo ít nhất một mức an sinh xã hội cơ bản cho tất cả mọi người (ILO, 2012). Những đảm bảo cơ bản này bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và đảm bảo thu nhập, cả hai đều là chìa khóa dẫn đến cuộc sống an toàn và đàng hoàng cho phụ nữ và nam giới lớn tuổi.
5. Hoàn thiện chính sách hướng đến đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam.
Một là, Về chính sách chúng ta cần có các chính sách chuẩn bị cho tương lai dân số già, các chính sách trực tiếp trước mắt, hướng đến các nhóm NCT đa dạng. Để chuẩn bị cho tương lai dân số già, chúng ta cần có sự tích lũy kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế, nâng cao hiệu suất việc làm của người lao động để có điều kiện kinh tế, đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già cho người lao động trong tương lai, thúc đẩy đổi mới và bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới. Cần xác định an sinh xã hội lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Hai là, Để đảm bảo an ninh thu nhập cho người cao tuổi, nhất là số NCT không được hưởng chế độ hưu trí, Chính phủ xem xét tiếp tục giảm độ tuổi hưởng hưu trí xã hội phổ cập cho toàn dân khi điều kiện kinh tế đất nước cho phép (Nghị quyết số 114/NQ-CP về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi), đồng thời tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa. Cần tập trung vào các ưu tiên chính sách để đảm bảo chế độ hưu trí, mức sống thỏa đáng cho người cao tuổi. Cần có sự kết hợp hiệu quả giữa lương hưu bảo hiểm xã hội, khía cạnh có đóng góp và trợ cấp hưu trí xã hội, không đóng góp. Thu hút nhiều nhóm đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, việc này cần tiến hành từng bước, đồng thời, cần quy định nhiều hình thức hợp đồng lao động có thể được tham gia bảo hiểm xã hội hơn, nhất là khi thị trường lao động có những hình thức việc làm mới.
Ba là, Thu nhập từ lương hưu hoặc các khoản trợ giúp khác có đủ để đảm bảo an ninh thu nhập cho người cao tuổi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở, chăm sóc dài hạn và các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác. Chính phủ cần rà soát và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của NCT, đặc biệt cần cải thiện chính sách y tế và chăm sóc dài hạn cho NCT, tránh trường hợp do chi tiêu quá nhiều cho chăm sóc sức khỏe mà không có điều kiện kinh tế đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác.
Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ, có thể trợ cấp tiền mặt là các khoản thanh toán định kỳ khi đến một độ tuổi và hoàn cảnh khó khăn nhất định. Ngoài các dịch vụ công nêu trên, các lợi ích bằng hiện vật có thể bao gồm trợ cấp nhà ở và năng lượng, dịch vụ chăm sóc và trợ giúp tại nhà.
Bốn là, Mở rộng cơ hội việc làm cho NCT phù hợp với sức khỏe, thời gian và điều kiện của họ. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội giới thiệu, tạo cơ hội việc làm và tuyển dụng lao động là NCT. Theo như ông André Gama khuyến nghị “Nếu có chuyển đổi về việc làm trong những giai đoạn sau của NCT cần đảm bảo việc làm đó là thỏa đáng, thậm chí có tính đến tái đào tạo và đào tạo lại, tạo điều kiện để người cao tuổi đóng góp theo một cách khác”. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục…đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NCT.
Năm là, Cần có quy định trong luật để phòng chống sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác và tạo môi trường làm việc thân thiện với NCT, ở đó họ được hỗ trợ nhiều hơn thông qua nhiều công cụ tại nơi làm việc; cân nhắc nhiều phương án để những người lao động lớn tuổi cùng đóng góp vào tăng năng suất cho xã hội.
Giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội liên quan đến NCT, bất bình đẳng trong phân phối, chính sách phân biệt về độ tuổi và khoảng cách giới trong việc làm. Theo World Bank việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP. Việc mở rộng phạm vi bao phủ và cải thiện chất lượng dịch vụ tất yếu sẽ dẫn đến tăng chi phí tài khóa. Trong đó các nguồn lực đầu tư cho NCT còn hạn chế, mức chi an sinh xã hội khoảng 5% GDP còn thấp, trong khi nhiều quốc gia đã chi từ 10 – 15%[16]. Theo kết quả khảo sát giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc thực hiện, đầu tư của Chính phủ cho trợ giúp xã hội với người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,15% GDP, là mức rất thấp so với các nước có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam trong khu vực. Chính sách cần được thiết kế thỏa đáng hơn, đảm bảo tất cả các nhóm đối tượng đều được thụ hưởng, nhất là với nhóm dễ bị tổn thương, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sáu là, Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp các nguồn lực dành cho NCT. Trong bất kỳ xã hội nào, hưu trí xã hội được coi là phù hợp, phụ thuộc vào thái độ phổ biến đối với các vấn đề như phân chia trách nhiệm giữa các cá nhân và Nhà nước, phân phối lại và hỗ trợ dành cho người nghèo và dễ bị tổn thương, và sự đoàn kết giữa các thế hệ.
Đặng Thị Ánh Tuyết[1]
[1] PGS,TS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[2] Xem: UNFPA. Già hóa dân số. https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/gi%C3%A0-h%C3%B3a-d%C3%A2n-s%E1%BB%91#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong,sang%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20%E2%80%9Cgi%C3%A0%E2%80%9D.
[3] Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009 quy định người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên.
[4] Người sơ lão (60-69), những người trung lão (70-79) và những người đại lão (từ 80 tuổi trở lên).
[5] Nhật Dương (2021). Chưa đến 50% người cao tuổi có lương hưu. Xem tại https://vneconomy.vn/chua-den-50-nguoi-cao-tuoi-co-luong-huu.htm ngày. 21/8/2023
[6] World Bank (2021). Cần cải cách để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dân số già hóa tại Việt Nam. Xem tại https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2021/09/30/reforms-could-ensure-higher-growth-rates-as-vietnam-s-population-ages ngày 21/8/2023
[7] Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cuộc sống cho người cao tuổi. http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=29546
[8] Chưa đến 50% người cao tuổi có lương hưu. https://vneconomy.vn/chua-den-50-nguoi-cao-tuoi-co-luong-huu.htm
[9] Số liệu nêu ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, ngày 30/06/2023. https://baotintuc.vn/thoi-su/nang-cao-doi-song-vat-chat-tinh-than-va-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-20230630165857292.
[10] Thu nhập từ lương hưu của người cao tuổi Việt Nam rất thấp. https://vneconomy.vn/thu-nhap-tu-luong-huu-cua-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-rat-thap.htm
[11] Nhiều khoảng trống trong đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. https://vneconomy.vn/nhieu-khoang-trong-trong-dam-bao-thu-nhap-cho-nguoi-cao-tuoi.htm
[12] Nhiều khoảng trống trong đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. https://vneconomy.vn/nhieu-khoang-trong-trong-dam-bao-thu-nhap-cho-nguoi-cao-tuoi.htm
[13] Đề xuất chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/de-xuat-chinh-sach-ho-tro-viec-lam-cho-nguoi-cao-tuoi-2162.html
[14] Carla Henry and Matias Golman (2021). Old age work and income security in middle income countries: Comparing the cases. ILO Working Paper 34, June 2021
[15] Masanobu Masuda, Katsuhisa Kojima (2001). Japanese Social Security for the Elderly from a Viewpoint of Life Cycles. Review of Population and Social Policy, No. 10, 2001, 37–54.
[16] World Bank (2021). Việt Nam thích ứng với xã hội già hóa. https://documents1.worldbank.org/curated/en/784411632385661926/pdf/Vietnam-Adapting-to-an-Aging-Society.pdf