Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH tỉnh Đăk Nông đã và đang minh chứng rõ nguồn vốn tín dụng luôn ưu tiên hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội; trong đó, tập trung cho vay vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, hỗ trợ, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS một cách hiệu quả, thiết thực nhất, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đăk Nông tuy phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách như địa bàn hoạt động phức tạp với vùng núi cao rộng lớn có nhiều buôn làng khó khăn và đông hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống cùng những khắc nghiệt về thiên tai, lũ lụt thường xuyên, gần đây là dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng. Nhưng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, hội, đoàn thể, những người làm tín dụng chính sách đã tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, huy động các nguồn vốn từ Trung ương, chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách địa phương để chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Một buổi làm việc tại điểm dao dịch
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến 31.12.2021, UBND các cấp ở tỉnh Đăk Nông đã chuyển 202 tỉ đồng vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH, tăng 40 tỷ đồng so với đầu năm, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.168 tỉ đồng. Trong năm 2021, dù gặp phải đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng với quyết tâm vừa huy động vốn nhanh, vừa phòng, chống dịch tốt, doanh số cho vay vẫn đạt 1.005 tỉ đồng với 26.338 lượt khách hàng vay vốn, với mức cho vay bình quân trên 45 triệu đồng/hộ. Toàn bộ nguồn vốn lớn đó đã đươc đưa về tận tay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, thông qua hệ thống 71 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và mạng lưới 1.564 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp buôn làng, khu dân cư. Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện cho vay vốn chính sách đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất, hoặc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đến 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.168 tỷ đồng với 68.022 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có 12.765 hộ nghèo; 7.955 hộ cận nghèo; 10.016 hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ tại NHCSXH; có 1.273 hộ nghèo đang còn dư nợ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà theo quyết định 167 và quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn theo cam kết. Đến nay có trên 23 ngàn hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào DTTS còn dư nợ, chiếm 33% số hộ còn dư nợ, với dư nợ 1.024 tỷ đồng, chiếm 32% so với tổng dư nợ 3.144 tỷ đồng. Trong năm, Chi nhánh đã tổ chức giải ngân cho vay được 10 cơ sở vay vốn trả lương ngừng việc cho 243 lượt lao động với số tiền là 834 triệu đồng theo Nghị quyết 126 và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg.
Hỗ trợ tận nhà, quan tâm đến người dân
Tuy nhiên, diễn biến khó lường của nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, dịch tả lợn châu Phi… Và tới đây sẽ còn xuất hiện nhiều nữa, như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đó phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội, để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Để có thể hỗ trợ người nghèo cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của của toàn xã hội, Thời gian tới, tỉnh Đăk Nông đang tập trung, tiếp tục đưa Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống thực tiễn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó chú trọng đến việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tạo lập nguồn mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương