27/12/2024 lúc 10:19 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông đẩy mạnh phát triển y dược học cổ truyền

Chiều ngày 06/09, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông liên quan đến công tác phát triển y dược học cổ truyền, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực trạng bác sỹ bỏ việc và thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn.

Đồng chủ trì tại buổi làm việc gồm Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên; ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; ông Trần Quang Hào – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông…

Tham dự tại buổi làm việc, về phía Bộ Y tế còn có ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, ông Vũ Tiến Dũng – Chánh văn phòng Đảng ủy Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Quân – Phó Cục trưởng Cục KH-CN và Đào tạo, Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục quản lý Y dược Cổ truyền, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm… Về phía tỉnh còn có lãnh đạo các sở ban ngành, các nhà báo, phóng viên về dự và đưa tin…

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Trần Quang Hào – Phó Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo đến Thứ trưởng và đoàn công tác kết quả công tác phát triển y dược học cổ truyền, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực trạng bác sỹ bỏ việc, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay và tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế (lĩnh vực kinh tế).

Theo đó, kết quả thực hiện chính sách phát triển YDCT được thể hiện trên nhiều mặt, về lĩnh vực nhân lực hiện có 53/71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ làm công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại; trong đó có 02 BS YHCT; 50 y sỹ YHCT; 01 cao đẳng VLTL-PHCN. Từ năm 2016 đến nay, đã đào tạo CKI YHCT 02 người (1 đã tốt nghiệp); 7 người đào tạo liên thông Y sĩ lên BSYHCT; tham gia tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ về y học cổ truyền, phục hồi chức năng là 48 người. Việc phát triển dược liệu cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó tỉnh uỷ cũng đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 20/09/2017 về “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh” và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 về xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đến nay, đã có 02 dự án đầu tư kinh doanh phát triển dược liệu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư 42.400 triệu đồng, tổng diện tích thực hiện khoảng 38,73 ha…

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện dự án 7: Chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục triêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có hợp phần nguồn vốn nước ngoài cho thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu (Chương trình ADB Y tế cơ sở) được phê duyệt theo Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 02/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình đầu tư phát triển mang lưới y tế vùng khó khăn, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á; Quyết định số 6689/QĐ-BYT ngày 02/11/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Quyết định đầu tư Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, sử dụng vốn ODA và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Theo đó, cơ cấu nguồn vốn Chương trình ADB Y tế cơ sở gồm vốn vay ODA 121.469 triệu đồng; Vốn viện trợ 17.000 triệu đồng (TƯ thực hiện); Vốn đối ứng xây dựng cơ bản, dự kiến khoảng 32.164 triệu đồng; Vốn đối ứng chi Quản lý thực hiện 10.200 triệu đồng.

Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn được phê duyệt theo Quyết định số 6689/QĐ-BYT ngày 02/11/2018 của Bộ Y tế, thời gian thực hiện từ năm 2019-2025, đã qua 03 năm thực hiện Chương trình, tuy nhiên Trung ương chưa thông báo cụ thể nguồn vốn triển khai thực hiện. Vì vậy, Sở Y tế kính đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đề nghị các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thống nhất, thông báo nguồn vốn để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của Chương trình. Báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình được Bộ Y tế phê duyệt theo Quyết định số 6689/QĐ-BYT ngày 02/11/2018, đến nay cũng đã có một số căn cứ pháp lý, nội dung đã thay đổi do thay đổi về mặt thời gian, giai đoạn, thực tế triển khai. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Y tế sớm rà soát, điều chỉnh văn kiện Chương trình cấp Trung ương để các địa phương có cơ sở phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cấp tỉnh hoặc nếu chưa kịp điều chỉnh thì cho ý kiến thống nhất đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi cấp tỉnh khi Trung ương thông báo nguồn vốn thực hiện.

Ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh phát biểu tại buổi làm việc.

Về tiến độ tiêm vắc xin phòng chống Covid-19, tính đến 13h ngày 03/09/2022, tỷ lệ tiêm mũi 3 toàn tỉnh đạt 88,19%; 06/08 huyện, thành phố đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; riêng huyện Đắk Mil mới đạt tỷ lệ 74,06%, huyện Đắk Glong đạt tỷ lệ tiêm chủng 83,51%.

Về thực trạng bác sỹ bỏ việc, từ năm 2016 đến nay đã có 63 trường hợp nghỉ việc, 11 bác sỹ chuyển công tác ra ngoại tỉnh. Hầu hết các bác sỹ nghỉ việc sẽ chọn làm việc trong hệ thống y tế tư nhân ở các tỉnh phát triển… Theo đó nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở y tế tư nhân, môi trường làm việc hiện đại, thân thiện, sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân lực, áp lực công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bác sỹ nghỉ việc…

Từ cuối tháng 4 năm 2022, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã giảm mạnh, công tác khám bệnh, chữa bệnh thường quy cho nhân dân được phục hồi và xu hướng tăng nhanh đáng kể. Việc sử dụng các dịch vụ y tế của người dân tăng cao, đồng thời nhu cầu thuốc, vật tư y tế tại tăng cao, đồng thời nhu cầu thuốc, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh thời hậu COVID-19 đang tăng nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y các đơn vị, một số nhóm thuốc cụ thể như: Thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất, thuốc tế nha khoa; một số vị thuốc y học cổ truyền; thuốc điều trị bệnh mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường. Thuốc ARV nguồn BHYT; vật tư hóa chất dùng trong nha khoa, hóa chất huyết học, sinh hóa, bộ hóa chất tách chiếc acid nucleic, các vật tư riêng lẻ...

Đình Tiến