17/01/2025 lúc 20:36 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Vùng đất Văn hóa đa dạng, gắn với phát triển du lịch

Xác định bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là “phần hồn” để phát triển du lịch, những năm gần đây, Ngành văn hóa Đắk Nông đã quan tâm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa, gắn liền với hoạt động du lịch.

Xác định bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là “phần hồn” để phát triển du lịch, những năm gần đây, Ngành văn hóa Đắk Nông đã quan tâm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa, gắn liền với hoạt động du lịch.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào các dân tộc tại chỗ như M'Nông, Mạ, Ê đê, Khmer…; đồng bào Kinh, M'Nông, Mạ sinh sống lâu đời trên Tây nguyên và đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc mới di cư vào lập nghiệp như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, H'Mông…mỗi dân tộc đều có nét văn hóa và hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo riêng, thể hiện rõ đời sống văn hóa, tâm linh, quan niệm nhân sinh. Các lễ hội độc đáo được tổ chức ở quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng một lễ hội, nhưng mỗi địa phương, mỗi dân tộc lại có cách tổ chức khác nhau, điều đó càng làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho các loại hình lễ hội.

Hằng năm, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông rộn ràng tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc mình.(ảnh: Thế Hùng)

Các lễ hội liên quan đến sản xuất: lễ cúng rẫy (nương), lễ kết vòng cúng lúa, lễ cúng tuốt lúa, đặc biệt là lễ mừng cơm lúa mới với ý nghĩa trả công cho đất đai, nương rẫy đã khó nhọc cùng gia đình làm ra lúa gạo.

Lễ hội liên quan đến phong tục tập quán và sinh hoạt cộng đồng: Lễ tách hộ, lễ cúng nhà mới, lễ tách nhà dài, lễ sum họp cộng đồng, lễ tách bon, làng, lễ cúng bon … đây là những lễ hội có quy mô lớn, được chuẩn bị công phu và nghiêm túc. Qua lễ hội, bà con muốn gửi gắm tâm hồn, ước vọng của mình vào thần linh, mong muốn được ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và nhất là cầu cho các bon làng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Trong các lễ hội này thường diễn ra nghi thức đâm trâu để tạ ơn thần linh phù hộ, xuyên suốt lễ hội là những điệu múa, điệu nhảy, biểu diễn cồng chiêng tạo một không gian sinh hoạt văn hóa thể hiện tính cộng đồng rất cao của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông.

Lễ hội ăn trâu (thường gọi là lễ thức đâm trâu): Được tổ chức lớn, có sự tham gia của cả bon. Những nghệ nhân giỏi nhạc cụ dân tộc được mời để gọi thần linh trong lễ đâm trâu. Cây nêu được trang trí cầu kỳ, rực rỡ được xem như một lễ đài bề thế, trang nghiêm. Trong nghi thức đâm trâu, dàn cồng chiêng của chủ và khách vang lên để người đâm trâu phấn chấn, can đảm, theo nhịp điệu của dàn cồng chiêng những người tham gia lễ hội sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa.

Gắn với bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa với việc phát triển du lịch.(ảnh: Thế Hùng)

Lễ cúng ngõ: thường được tổ chức ngay ngoài ngõ của các bon với ý nghĩa kiêng cữ các thần ác ngoài rừng, các thần dữ trên trời và các thần thường gây tai họa cho con người; cầu xin thần mưa, thần gió, thần bão, thần dịch bệnh không gây tai họa cho bon. Các lễ vật được chuẩn bị chu đáo dâng lên thần linh cầu mong được an lành, bình an, giàu mạnh.

Lễ hội liên quan đến săn bắt voi: Lễ cúng săn bắt voi phải được tổ chức ở nhà thầy Gru (những người đã từng săn bắt được từ 16 con voi trở lên được gọi là thầy Gru). Người đại diện cho nhóm đi săn sẽ dâng lễ vật, khấn và cầu xin các thần, trong đó có thần trông giữ voi rừng biết là dân làng sắp đi săn voi, cầu xin thần phù hộ, nếu không cúng xin thần sẽ nổi giận và khiến cho người săn voi bị điên. Trong quá trình đi săn, khi làm bất cứ việc gì, mọi người trong đoàn săn voi cũng phải thực hiện các nghi thức và các quy định một cách nghiêm ngặt để tỏ lòng kính trọng thần linh, thầy Gru và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho đoàn đi. Cùng với lễ cúng săn bắt voi, đồng bào các dân tộc còn có những nghi lễ cúng voi như: lễ cưới voi nhà, cúng sức khỏe, cắt ngà voi.

Bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ tương lai.(ảnh: Thế Hùng)

Hằng năm, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông rộn ràng tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các lễ hội ngày càng được người dân tâm huyết thực hiện. Nhiều hoạt động lễ hội được phục dựng và tổ chức tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh đầy ý nghĩa. Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phục dựng được 40 lễ hội của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê. Trong đó, huyện Đắk Glong phục dựng lại lễ kết nghĩa bon làng ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê; lễ cúng thần lúa ở xã Đắk R’măng. Huyện Cư Jút phục dựng lễ rước K’pan, lễ mừng mùa của đồng bào Ê đê. Các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô thì phục dựng các lễ hội tiêu biểu của đồng bào M’Nông như: lễ cầu mưa, lễ cúng phát rẫy, mừng lúa trổ bông, lễ cắm nêu cúng lúa, lễ cúng thần rừng… Thành phố Gia Nghĩa phục dựng lễ cưới, lễ đoàn kết, lễ cúng mừng sức khỏe người già, lễ mừng lúa mới của đồng bào Mạ…

Không chỉ có lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn có những màu sắc sinh động, mới lạ trong lễ hội của các dân tộc mới tới định cư tại Đắk Nông như Tày, Thái, Nùng, Dao, Mông… Các hoạt động lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc di cư tới Đắk Nông cũng được tổ chức nhằm giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiêu biểu như: đồng bào dân tộc Dao ở huyện Cư Jút hàng năm thường tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ mừng thọ, mừng sinh nhật… Người dân tộc Tày, Nùng ở huyện Đắk Mil cũng đang gìn giữ những nét văn hóa lễ hội đặc trưng của dân tộc mình đó là vào đầu tháng Giêng âm lịch, đồng bào lại cùng nhau đóng góp để tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng) - một trong những lễ hội quan trọng, đặc trưng của các dân tộc phía Bắc.

Lễ cúng rào bon trồng cây là lễ hội tiêu biểu của người M'nông Preh (Ảnh: baodaknong.org.vn).

Ngoài ra, nhịp cồng chiêng, những món ăn truyền thống như cơm lam, rượu cần cũng không thể thiếu trong các buổi lễ. Cùng với đó, các đơn vị lữ hành khi xây dựng các tour du lịch đến các điểm du lịch sinh thái của tỉnh đều đưa lễ hội vào như một hoạt động không thể thiếu của tour. Cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa luôn là yếu tố hấp dẫn, thu hút du khách gần xa. Luôn được tỉnh, Ngành văn hóa đặc biệt quan tâm, coi trọng, giữ gìn và phát triển. Thông qua đó, không những góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng quảng bá hình ảnh vùng đất và con người đến với du khách gần xa.

Nhằm khai thác những tiềm năng văn hóa trở thành các sản phẩm, điểm hẹn hấp dẫn, tỉnh cũng đã và đang có những giải pháp cụ thể. Ngành văn hóa Đắk Nông đã tiến hành rà soát các tài nguyên du lịch văn hóa nổi trội, nhất là các lễ hội, mang đặc thù riêng của từng địa phương, từng dân tộc để bảo tồn những nét đặc sắc. Tiến hành sưu tầm, phục hồi, tạo dựng tư liệu, biên tập nội dung, làm sáng tỏ giá trị, tái hiện lịch sử hình thành phát triển của các bản sắc văn hoá, lễ hội để nhấn mạnh tính độc đáo, khác biệt và hấp dẫn nhằm thông tin quảng bá, giới thiệu đến thị trường du lịch, thu hút khách. Tổ chức các hoạt động bản sắc văn hoá, lễ hội trong khuôn khổ; đầu tư phát triển chỉnh chu các địa điểm để thực hiện các chương trình sự kiện nổi bật trong năm. Lịch trình hoạt động này là cơ sở để “chào hàng” tới các hãng lữ hành xây dựng chương trình du lịch đến với du lịch Đắk Nông hoặc du khách tự tìm kiếm thông tin đi du lịch tới thưởng thức biểu diễn các bản sắc văn hoá, lễ hội trong tỉnh Đắk Nông và cả vùng Tây Nguyên.

Già làng đón khách vào nhà mới tại Lễ khánh thành Nhà trưng bày đàn đá tại Bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (Ảnh: baodaknong.org.vn).

Đồng thời, quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn bản sắc văn hoá, lễ hội trong toàn vùng gắn với các công trình dịch vụ công cộng, nơi sinh hoạt cộng đồng và hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch để tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận thuận lợi. Các địa điểm biểu diễn cần đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, phù hợp với không gian, an toàn, vệ sinh, tiện nghi và kết nối với các điểm du lịch, điểm dân cư. Ở mỗi địa phương điểm đến du lịch bố trí tạo 1 không gian công cộng để giao lưu giữa cư dân địa phương với du khách - nơi hội tụ đủ hấp dẫn. Trong các chương trình biểu diễn thể hiện những giá trị chân thực, mộc mạc, giản dị của loại hình nghệ thuật bản sắc văn hoá, lễ hội. Tại các điểm biểu diễn, kết nối thuận tiện với các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu niệm và các loại hình dịch vụ khác. Đặc biệt kết nối hiệu quả giữa bản sắc văn hoá, lễ hội với văn hóa ẩm thực Tây Nguyên.

Giá trị văn hóa bản địa vẫn được lưu giữ, gắn liền với hoạt động du lịch. (ảnh: Thế Hùng)

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng bảo tàng, triển lãm, tượng đài, khu trưng bày, nhà lưu niệm... trưng bày các dụng cụ, tư liệu về bản sắc văn hoá, lễ hội để làm sáng tỏ giá trị, tôn vinh hình ảnh nghệ thuật, nghệ nhân gắn với bản sắc văn hoá, lễ hội để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu thưởng ngoạn của khách du lịch trong và ngoài nước; tạo cơ hội cho các dân tộc địa phương tham gia trưng bày, cống hiến vật trưng bày cho bảo tàng, triển lãm. Thiết kế sản xuất các vật dụng, sản vật địa phương, biểu tượng, tài liệu, sách ảnh giới thiệu bản sắc văn hoá, lễ hội Đắk Nông để trở thành hàng lưu niệm mang dấu ấn địa danh.

Gắn bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa với việc phát triển du lịch là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Những câu chuyện dân gian gắn liền với sự tích lịch sử và nghi lễ không chỉ thể hiện niềm tin, tín ngưỡng mà còn phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của một dân tộc, có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc, góp phần đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ tương lai.