16/01/2025 lúc 14:00 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Nông: Tài nguyên khoáng sản luôn được khai thác một cách hiệu quả

Đắk Nông là mảnh đất giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản tại Tây Nguyên, tương đối đa dạng về chủng loại, đó là những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Đắk Nông. Vậy nên, việc gìn giữ, khai thác khoáng sản một cách hiệu quả, lâu dài luôn được tỉnh quan tâm và chú trọng.

Đắk Nông là mảnh đất giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản tại Tây Nguyên, tương đối đa dạng về chủng loại, đó là những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Đắk Nông. Vậy nên, việc gìn giữ, khai thác khoáng sản một cách hiệu quả, lâu dài luôn được tỉnh quan tâm và chú trọng.

Tại Đắk Nông, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp như Bô xít, cát, đá Bazan bọt, đá opan-canxedoan, thạch anh… Đặc biệt Đắk Nông có tiềm năng lớn về quặng bauxit laterit, quy mô phân bố và trữ lượng lớn nhất cả nước, với trữ lượng và tài nguyên dự tính khoảng 1.845,7 triệu tấn tinh quặng, tương đương 4.402 triệu tấn quặng nguyên khai, hiện nay đang được Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiến hành khai thác tại Nhân Cơ, Đắk R’lấp với công suất 650.000 tấn alumin/năm.

Với khẩu hiệu Phát triển và Hội nhập, tỉnh Đắk Nông đã dần chuyển mình, đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng của tỉnh, bên cạnh đó đời sống kinh tế của người dân ngày một đi lên, nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu trong hoạt động xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho các công ty, tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 42 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ tại tỉnh Đắk Nông (nguồn NLD.Com).

Không đánh đổi để phát triển kinh tế

Hiện nay, việc khai thác tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả mà vẫn phải đảm bảo yếu tố môi trường luôn là tiêu chí mà tỉnh hướng đến trong hiện tại và tương lai.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Trọng Yên – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để thực hiện đúng theo Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XII, hiện nay Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Thủ tướng, đề nghị Bộ chính trị tổng kết khai thác Alumin thí điểm, công ty nhôm, Tập đoàn Than Khoáng sản đánh giá với công suất 650.000 tấn/ năm, tại vì trong các năm thì khai thác đa số đều vượt kế hoạch, đảm bảo hiệu quả còn lại. Sau khi tổng kết thì có thể tăng công suất, đề nghị Bộ Tài nguyên cấp phép khai thác mở rộng… Còn lại một số tài nguyên khoáng sản khác thì cần phải đảm bảo khai thác hiệu quả và quản lý theo quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, cần phải chú trọng chế biến chuyên sâu nhưng trong các loại khai thác chế biến khoáng sản, chúng ta cũng không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá để mất môi trường, tức phải đảm bảo về yếu tố môi trường…

Ông Lê Trọng Yên – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Võ Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông: Để khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ,thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung các mỏ khoáng sản vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh và tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên và lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh thu hồi 11 Giấy phép khai thác do các chủ giấy phép đã vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản như không thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), không đưa mỏ vào hoạt động….

Ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ưu tiên, bố trí kinh phí triển khai các dự án tìm kiếm đánh giá tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh với một số nội dung như đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tỷ lệ 1: 50.000; Triển khai các dự án tìm kiếm đánh giá một số khu vực có tiềm năng như: Các điểm vàng ở xã Quảng Sơn; điểm vàng, thiếc Xliêng Đồng (Hoa Quả Sơn) xã Đắk Plao, huyện Đắk G’long; Đá granite làm đá ốp lát ở huyện Đắk R’lấp; huyện Đắk Song, huyện Đắk Mil và huyện Krông Nô; Đá opal-canxeđoan ở huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút…

Đảm bảo môi trường là nhiệm vụ cấp bách

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã quán triệt sâu sắc các nội dung các Nghị quyết, quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương phải chú trọng đến tiêu chí về môi trường và các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành trong lựa chọn, thẩm định các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo nguyên tắc không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường. Đối với các dự án chưa phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch 3 loại rừng…) sẽ không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có ảnh hưởng lớn đến môi trường (chăn nuôi, thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông sản…), yêu cầu Nhà đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, quyết định sự phát triển bền vững ngành khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, Tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng tiếp nhận online đối với dữ liệu về chất thải tại các doanh nghiệp có quy mô xả thải lớn nhằm theo dõi chất lượng nước thải, khí thải của các doanh nghiệp truyền về theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Hàng năm, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Qua kiểm tra đã hướng dẫn, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm. Tiến hành kiểm tra, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri, đơn thư và phản ánh của báo chí thông qua đường dây nóng đến kết quả cuối cùng đối với một số lĩnh vực: chăn nuôi, khu công nghiệp, nhà máy chế biến mủ cao su, thu gom, xử lý rác thải...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm. Công tác dự báo, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường từng bước được nâng cao, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, nhiệm vụ. Hiện nay, hàng năm Sở thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc đã được UBND tỉnh phê duyệt, với số điểm quan trắc lên đến 173 điểm (gồm các điểm quan trắc môi trường không khí, nước và đất). Đồng thời, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục, qua đó thường xuyên cập nhật, theo dõi các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, kịp thời xử lý đối với những trường hợp số liệu vượt tiêu chuẩn. Sở cũng đã thực hiện công bố đường dây nóng về lĩnh vực môi trường, thông qua đó đã kịp thời tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc qua phản ánh của người dân, báo chí.