Những năm qua bằng nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Mil; trong đó, điển hình là chính sách tín dụng với các ưu đãi về lãi suất, điều kiện, thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, đời sống và trình độ phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số so với mức bình quân chung của huyện vẫn còn khoảng cách khá xa. Tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu vẫn tập trung ở các xã có nhiều hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Gia đình Anh Hà Văn Cương dân tộc Nùng ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil chia sẻ: năm 2010 anh vào lập nghiệp tại vùng đất này với 2 bàn tay trắng, khó khăn chồng chất khó khăn khi không có người thân bên cạnh lại không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nỗi lo về cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng. Năm 2012 gia đình anh được Đoàn Thanh Niên của xã Long Sơn giới thiệu và được bình xét vay vốn chương trình Hộ nghèo của xã với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư phát triển vườn cà phê, đến năm 2017 gia đình anh đã thoát nghèo và trả được nợ cho NHCSXH huyện sau khi mua thêm được 02 cặp dê. Năm 2019 anh tiếp tục được bình xét vay vốn chương trình Hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm từ NHCSXH huyện với số tiền 100 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi dê, gia đình anh cũng dư dả để tính toán bền vững hơn, ngoài lãi từ đàn dê anh còn dư được nguồn phân bón để chăm sóc cho vườn cà phê xanh tốt của mình.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản từ vốn tín dụng chính sách của đoàn viên Đoàn thanh niên. ảnh: Phạm Hòa
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Mil đã tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nói chung và các chương trình tín dụng đối với hộ dân tộc thiểu số nói riêng. Đến 31/8/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 363.072 triệu đồng với 10.336 lượt khách hàng vay vốn; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều được thụ hưởng 13/15 chương trình tín dụng đang triển khai cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Dư nợ của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện là 94.945 triệu đồng, chiếm 26,1% tổng dư nợ với 2.798 hộ còn đang dư nợ, chiếm trên 27% tổng số khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 33,9 triệu đồng/hộ.
Anh Hà Văn Cương dân tộc Nùng, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil vay 100 triệu đồng từ nguồn vay Hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm. ảnh: Phạm Hòa.
Đến nay với sự đồng hành trên mỗi bước đi của các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây làm giàu trên mảnh đất này. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Mil đã có sự thay đổi rõ rệt và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 690 hộ năm 2015 xuống còn 325 hộ vào cuối năm 2020.
Thời gian tới, thực hiện văn bản số 5070/NHCS-TDNN ngày 03/6/2021 của Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội “về việc khảo sát phục vụ nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đăk Mil tiếp tục khảo sát nhu cầu để đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo việc làm, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.