Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý báo chí, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Nổi bật là Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chính sách tổng thể về chuyển đổi số. Nhờ đó, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Đắk Nông năm 2021 xếp thứ 41/63 tỉnh/thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020.
Đối với hạ tầng số: Số lượng xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm: 71/71 Phủ sóng 4G đến 98% thôn, buôn, bon: 698 đơn vị (tăng 08 đơn vị so với năm 2021); chỉ đạo các đơn vị viễn thông triển khai phủ sóng được 06/10 vùng lõm sóng, thôn lõm sóng; triển khai phủ sóng thêm 17 thôn, bon, bản tại 07 huyện trên địa bàn tỉnh. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money là 15.321 thuê bao, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (10.280). Tốc độ truy cập mạng băng rộng tính trung bình khoảng 400 Mpbs đối với cá nhân và 500 Mpbs đối với doanh nghiệp.
Về nhân lực số: 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có chuyên trách hoặc giao phụ trách công nghệ thông tin. Chuyên trách công nghệ thông tin có trình độ chuyên ngành CNTT. Hoàn thành việc thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn với khoảng 4.078 thành viên.
Về chính quyền số: Tỉnh đã xây dựng Nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh và Kho dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0. đã kết nối với với Chính phủ, kết nối cơ sơ dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Doanh thu về công nghiệp công nghệ thông tin lũy kế đến hết tháng 09/2022 ước tính đạt 1.607.294 triệu đồng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP ước tính 6,64%, tăng 0,25% so với năm 2021. Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ khai trương, bấm nút đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh, bao gồm 10 hợp phần gồm: Báo cáo kinh tế xã hội, hệ thống camera giám sát an ninh, các hệ thống quản lý đầu tư công, doanh nghiệp, các CSDL về Y tế, Giáo dục, Tài nguyên Môi trường..
Đối với lĩnh vực bưu chính - viễn thông: Toàn tỉnh có 11 đơn vị cung cấp các dịch vụ bưu chính chuyển phát nhưng chiếm thị phần lớn là Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel, các đơn vị còn lại chỉ tham gia với thị phần nhỏ, chủ yếu là cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Doanh thu lĩnh vực Bưu chính năm 2022 ước đạt 148 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3,3 tỷ đồng. Tỉnh có 4 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ Viễn thông – Internet bao gồm Viễn thông Đăk Nông, Chi nhánh Viettel Đăk Nông, Mobifone Đăk Nông và Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile đáp ứng tốt cho việc phục vụ nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông trên nền tảng điện thoại di động và internet cố định như dịch vụ thoại, truy cập internet, dịch vụ Data và các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Doanh thu lĩnh vực viễn thông, internet 2022 ước đạt ước đạt 776 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 37,4 tỷ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%...
Lĩnh vực thông tin báo chí xuất bản tiếp tục được tăng cường, đảm bảo định hướng thông tin tuyên truyền cho 3 cơ quan báo chí và các trang thông tin điện tử. Triển khai hướng dẫn, đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cung cấp thông tin về các trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cơ quan, góp phần chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích cho phép. Định kỳ rà soát, chấn chỉnh hoạt động Trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục duy trì việc theo dõi, tổng hợp thông tin báo chí hàng ngày, hàng tuần, đồng thời, định kỳ tổng hợp việc phản hồi, xử lý thông tin báo chí phản ánh, qua đó, hoạt động theo dõi, phản hồi thông tin báo chí của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp.
Trong năm 2023, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với Chính quyền số: Xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh Đắk Nông (Đắk Nông Data). Triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong đó tích hợp trên 60% lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến 50% hồ sơ phát sinh trên toàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc việc sử dụng hiệu quả của hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 92% tỷ lệ văn bản điện tử có ký số được gửi, nhận giữa các cơ quan nhà nước, tỷ lệ hồ sơ công việc đạt khoảng 50%.
Đối với Kinh tế số: Tiếp tục tăng doanh thu về kinh tế số, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 7,5%. Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, phấn đấu 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số. Triển khai thúc đẩy hỗ trợ hộ SXNN lên sàn thương mại điện tử 2.000 sản phẩm, 100% sản phẩm OCOP, tỷ lệ giao dịch trên sàn thương mại điện tử tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022.
Đối với Xã hội số: Tập trung triển khai phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó, hướng dẫn, đôn đốc theo từng nhiệm vụ cụ thể, theo nhu cầu sử dụng dịch vụ số của từng người dân. Phát động, hướng dân người dân sử dụng ứng dụng phục vụ người dân của tỉnh (Đăk Nông – C), phấn đấu 80% người dân cài đặt ứng dụng. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, sóng di động, cáp quang đến các xã, phường, thị trấn; Phấn đấu phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, 5G đạt 5% trở lên, Phấn đấu đưa tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động 2G xuống dưới 5%...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Văn Chiến - UVBTV Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả bước đầu của ngành Thông tin truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của các cơ quan đầu mối là Sở Thông tin và Truyền thông và sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, doanh nghiệp thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đồng chí đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục quyết liệt triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023. Trong đó, tập trung xây dựng chính quyền số, chú trọng việc duy trì hoạt động Nền tảng DAKNONG IOC phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của UBND tỉnh; Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (LGSP) để thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; Phát triển Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Phải số hóa dữ liệu tại các ngành, lĩnh vực, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu. Trên cơ sở đó Xây dựng nền tảng Cổng dữ liệu mở Đắk Nông (Dak Nong Data), trên cơ sở đầu tư bổ sung cơ sở dữ liệu quan trọng. Đầu tư Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh, triển khai đến cơ sở phục vụ truyền thông thông minh để làm sao nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở. Tăng cường quản lý về công tác báo chí, tạp chí; tăng cường theo dõi, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng đăng, phát, cung cấp thông tin xấu độc lên môi trường mạng, mạng xã hội; tạo ra môi trường thông tin mạng an toàn, lành mạnh...
Nhân dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khai trương Cổng TTĐT tỉnh phiên bản mới theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Cổng TTĐT tỉnh Đắk Nông phiên bản mới có 6 trang thông tin chính gồm: Trang chủ, Giới thiệu; Chính quyền; Doanh nghiệp; Công dân; Du khách và gần 100 mục thông tin cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế, chính trị văn hóa, xã hội, dự án kêu gọi đầu tư, công khai ngân sách, thông tin chỉ đạo, điều hành… đáp ứng đầy đủ yêu cầu cung cấp thông tin theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ và các thông tin thiết yếu khác mà người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Võ Hà - Đình Tiến