Trong hai ngày 25 và 26/11 vừa qua, đoàn đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học đã làm việc tích cực và kỹ lưỡng cũng như khảo sát, thám hiểm thực địa một số hang động trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô – Đắk Nông. Theo thông báo từ các chuyên gia, quá trình khảo sát Hang C7- hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á đã phát hiện phát hiện thêm một số nhánh mới, khám phá thêm khoảng 175m chiều dài. Với phát hiện mới này, chiều dài Hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m.
Theo dự kiến, trong các ngày tiếp theo, nhóm chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Hang C7 nhằm tiến hành đo vẽ và dựng bản đồ 3D trong lòng hang và khu vực của hang nơi mới được phát hiện trong đợt khảo sát này. Đây là phát hiện mới và nguồn tư liệu khoa học quý giá đối với di sản địa chất mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, bổ sung những chứng cứ vô cùng giá trị cho hồ sơ tái thẩm định trong thời gian sắp tới.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà trong đó Hang động núi lửa Krông Nô là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài khoảng 10 km được ghi nhận lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2014.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các chuyên gia, nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây từ 6.000 - 7.000 năm đã từng sinh sống tại đây. Tháng 9 năm 2018, các nhà khoa học công bố những dấu tích sinh sống của người tiền sử được tìm thấy. Trước đó, trên thế giới chỉ có hệ thống hang động núi lửa ở Hàn Quốc phát hiện có dấu tích sinh sống của con người.
Với đợt công tác khảo sát thực địa trực tiếp của đoàn chuyên gia, nhà khoa học và phát hiện mới lần này, cũng như nhắc nhở các cấp chính quyền địa phương cần đề cao về vấn đề bảo vệ và bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà trong đó có hệ thống Hang động núi lửa Krông Nô nhằm tránh những tác động của con người dù vô tình hay cô ý làm hư hại của những vết tích của lịch sử đã để lại sau thời gian hàng triệu năm./.
Đình Tiến