26/11/2024 lúc 16:14 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Ngành Giáo dục triển khai năm học mới trong tình hình mới

Sáng 23/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và công bố công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 trong tình hình mới hiện nay. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh; Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Phạm Đăng Khoa; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, liên quan đến tham dự.

Năm học 2021-2022 vừa qua, ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk với sự cố gắng của ngành giáo dục từ lãnh đạo, cán bộ quản lý (CBQL), Giáo viên cùng các em học sinh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022. Bên cạnh đó hệ thống trường, lớp học tiếp tục phát triển, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục. Đến cuối năm học, toàn tỉnh có 1.016 trường, 15.881 lớp, nhóm lớp từ mầm non đến THPT với 477.179 học sinh. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được chuẩn hóa, đáp ứng các điều kiện đề ra. Hiện nay, toàn ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk có 36.154 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQLGVNV), 100% CBQL và GV đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 95,02% CBQL đạt trên chuẩn và 82,74% GV đạt trên chuẩn.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và công bố công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023-Ảnh: CTTĐT.

Ngoài ra được sư quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT nên chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được chú trọng, nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn đã được khẳng định với nhiều kết quả nổi bật như tiếp tục dẫn đầu các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi THPT cấp quốc gia (năm thứ 5 liên tiếp); học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia khác. Toàn ngành đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì và phát triển chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về lĩnh vực giáo dục.

Song song với những thành tích đạt được, Ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Kế hoạch thời gian năm học và các hoạt động giáo dục của các địa phương trong tỉnh; do địa bàn rộng, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học, vì vậy tỉnh còn gặp khó khăn trong việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường; việc tổ chức dạy học trực tuyến ở một số địa phương, đơn vị còn nhiều khó khăn do chưa đáp ứng được chất lượng về sóng internet, nền tảng ứng dụng học trực truyến và học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến; tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ Thuật cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa phát biểu tại Hội nghị-Ảnh: CTTĐT.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm học 2021-2022 vừa qua, ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đề ra các chỉ tiêu trong năm học mới 2022-2023 như: phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 56% và cuối năm 2023 đạt 58%; tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72% vào cuối năm 2022 và đạt 74% vào cuối năm 2023...

Bên cạnh đó công tác chuẩn bị của ngành GD&ĐT tỉnh cho năm học 2022-2023 có bước chuẩn bị như: chuẩn bị cơ sở vật chất cho giáo dục năm 2022-2023 với kinh phí khoảng 88 tỷ đồng; hiện nay năm học mới toàn tỉnh thiếu khoảng 1260 giáo viên, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh giao biên chế thì sẽ tuyển hết số biên chế được giao để bổ sung cho những trường hợp thiếu giáo viên; vấn đề dồn dịch các điểm trường, xắp xếp lại lớp học nhằm đảm bảo sĩ số lên lớp của các cấp; tham mưu cho Uỷ ban tỉnh xây dựng Đề án tự chủ tài chính đối với các trường, đơn vị sự nghiệp công lập những nơi có điều kiện để đảm bảo tinh giảm 10% giáo viên không hưởng lương từ ngân sách theo quyết định của Bộ Chính trị, cũng như dùng học phí trả lương giáo viên để đảm bảo biên chế không giảm; ngành giáo dục lên phương án tập huấn cho CBQL theo chương trình đổi mới hiện nay; toàn tỉnh hiện thiếu 500 phòng học theo kế hoạch 2021 – 2025, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh xây mới, đầu tư xây dựng phòng học chức năng, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy và học…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh phát biểu, chỉ đạo tại Hội nghị-Ảnh: CTTĐT.

Ngoài ra do tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đang diễn biến mới, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang có dấu hiệu bùng phát, cần tích cực tuyên truyền đẩy mạnh công tác tiêm chủng văcxin ngừa Covid-19 ở các lứa tuổi từ 5 đến 18 tuổi, cũng như cần vệ sinh phát quang bụi rậm, dọn dẹp môi trường xung quanh trường lớp tránh nguy cơ bùng phát dịch khác.

Do tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có giảm nhẹ nhưng với quyết tâm của Ngành GD&ĐT tỉnh không chạy đua theo thành tích, mặt khác quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng sâu vùng xa giúp nâng cao chất lượng giáo dục thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành phố với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra các trường cũng cần ra soát, phân hoá chất lượng đầu vào của học sinh, từ đây lập kế hoạch phụ đạo cho từng nhóm giúp các em dễ tiếp thu kiến thức. Năm học 2022-2023 Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk kêu gọi sự phối hợp của các công ty, địa phương sẽ cung cấp và phát khoảng 14.000 máy tính cho các em học sinh có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo, bố mẹ mất vì Covid nhằm hỗ trợ cho các em có đầy đủ hơn công cụ học tập, cũng như quán triệt chặt chẽ vấn đề lạm thu đầu năm học bằng cách kiểm tra, những khoản thu được công khai minh bạch, không thu khoản thu trái quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh ghi nhận sự cố gắng của Ngành GD&ĐT của tỉnh và biểu dương những thành tích mà ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được trong năm học qua. Đồng thời nhấn mạnh, trong năm học mới 2022 – 2023, ngành GD-ĐT cần chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đúng kế hoạch; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 bảo đảm chất lượng và hiệu quả; tập trung chỉ đạo, quan tâm đầu tư cơ sở vậy chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Đình Tiến