19/01/2025 lúc 15:07 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực Miền Trung-Tây Nguyên năm 2023

Chiều ngày 20/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực miền trung-Tây Nguyên năm 2023.

Tham dự buổi lễ có: Bà Bùi Thanh Hà, Trưởng đại diện chi nhánh miền trung, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch chi hội An toàn thông tin phía Nam; ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk; Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai; những cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, thành viên Đội ứng cứu sự cố các tỉnh khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Đại biểu tham dự buổi lễ.

Diễn tập thực chiến an toàn thông tin (ATTT) khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 diễn ra trong thời gian 5 ngày với các nội dung xoay quanh các tình huống thực trên hệ thống mục tiêu: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và các hệ thống điều hành khác... Diễn tập ATTT nhằm nâng cao năng lực bảo vệ, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý và ứng cứu sự cố tấn công trên không gian mạng cho các thành viên Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng tỉnh của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Khóa Diễn tập thực chiến bảo đảmATTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 diễn ra với các hệ thống thật và quá trình tấn công, phòng thủ không theo kịch bản, qua đó năng lực của các đội tấn công, đội phòng thủ sẽ được phát huy, từ thực hành thực tế để rút ra kinh nghiệm, bài học, phục vụ cho công việc tốt hơn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết, bên cạnh đó là phát hiện được các điểm yếu, lỗ hổng của hệ thống từ con người cũng như quy trình đến công nghệ nhằm kiểm soát các nguy cơ, ứng phó với các sự cố ATTT để đảm bảo hệ thống thông tin được hoạt động ổn định và kịp thời đưa ra các phản ứng đối phó nhằm bảo vệ và khắc phục sự cố ATTT sớm nhất.

Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc diễn tập, ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, hằng năm các tỉnh đều xây dựng các kịch bản diễn tập, mô phỏng theo các tình huống giả định để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ứng cứu sự cố của tỉnh. Nhưng năm nay, diễn tập tập trung nâng lên một mức độ cao hơn “Diễn tập thực chiến”, đây hình thức diễn tập mới, diễn ra trên hệ thống đang vận hành, đưa toàn bộ con người, quy trình và công nghệ của tổ chức tham gia vào quá trình diễn tập, đưa đội ứng cứu vào trạng thái luôn thường trực, sẵn sàng xử lý sự cố trước các cuộc tấn công có chủ đích trong thực tế, giúp các cơ quan, tổ chức giảm thiểu thiệt hại, ngay cả khi xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Bà Bùi Thanh Hà, Trưởng đại diện chi nhánh miền trung, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thanh Hà, Trưởng đại diện chi nhánh miền trung, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Thế giới ngày nay đang xây dựng một “Hệ sinh thái số” toàn diện, từ kinh tế số, giải trí số, an ninh xã hội số, giáo dục số, lao động số…. Song song với đó giới tội phạm mạng cũng đang săn lùng mục tiêu vào các thành phần của hệ sinh thái này. Các phương án xử lý và kỹ thuật phòng thủ truyền thống đảm bảo ATTT dần trở nên không hiệu quả và mã độc ngày càng thông minh, nay ứng dụng thêm công nghệ AI trở nên hoàn hảo để ẩn nấp và hoạt động trên môi trường mạng với thời đại internet kết nối vạn vật. Đây là thách thức lớn mà các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng CNTT, ATTT tại Việt Nam cực kỳ quan tâm, bất cứ công nghệ tiên tiến nào đều có thể sử dụng theo hướng tích cực hay tiêu cực. Do đó, theo mục đích của người điều khiển công nghệ mà có thể tạo nên hiệu quả hay hậu quả. Việc phòng chống, ngăn chặn hoạt động các cuộc tấn công có chủ đích, của mã độc là cấp thiết, cũng như việc xử lý sự cố mã độc và khắc phục hiện trạng là điều vô cùng quan trọng.

“Diễn tập thực chiến lần này chúng ta sẽ xây dựng một đội tấn công với quy mô lớn với nhiều thành viên tham gia và xây dựng các đội quy mô nhỏ hơn, phù hợp với nguồn lực địa phương để tham gia phòng thủ. Để giúp đội ngũ vận hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tập dượt trước với các tình huống tấn công mạng có thể xảy ra nhằm kiểm soát các nguy cơ, ứng phó với các sự cố để đảm bảo hệ thống thông tin được hoạt động ổn định, được khôi phục nhanh nhất có thể khi sảy ra sự cố”. bà Bùi Thanh Hà cho biết thêm.

Chuyên gia trong lĩnh vực CNTT trình bày những giải pháp ATTT cho hạ tầng chuyển đổi số; mô phỏng diễn tập tấn công mạng và phục hồi cơ sở dữ liệu.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các công ty, doanh nghiệp hoạt đông trong lĩnh vực CNTT cũng đã trình bày những giải pháp ATTT cho hạ tầng chuyển đổi số; mô phỏng diễn tập tấn công mạng và phục hồi cơ sở dữ liệu. Tại buổi khai mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin khu vực Miền Trung – Tây Nguyên 2023 các công ty, doanh nghiệp có những gian hàng giới thiệu những sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất tới những đại biểu, khách mời.

Nhân dịp này, các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk và Đại diện Lãnh đạo Công ty cổ phần VNG về khai thác ứng dụng Zalo Mini App.

Đại biểu tham quan gian hàng và nghe giới thiệu về những giải pháp công nghệ mới tại hội nghị.

Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, trong 8 tháng năm 2023, toàn quốc ghi nhận trên 78.600 cuộc, tăng  0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 8 là 1.400 cuộc, tăng 67,7% so với tháng trước. Tại diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin quốc gia diễn ra từ ngày 21/8 đến 1/9 của 8 tỉnh thuộc khu vực Miên Trung – Tây Nguyên đã phát hiện 280 lỗ hổng bảo mật, trong đó có 202 lỗ hổng có mức ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều gấp đôi các lỗ hổng nghiêm trọng được phát hiện trong các đợt diễn tập thực chiến năm 2022 cộng lại. Điều này cho thấy, giá trị của các đợt diễn tập thực chiến mang lại, kịp thời phát hiện những điểm yếu còn tồn tại của cả con người và máy móc, thiết bị để khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn thông tin mạng hiện nay.

Đình Tiến