Tờ The Strait Times nhận định, thành tựu kinh tế của Việt Nam là điều mà các nước láng giềng thèm muốn. Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể về kinh tế cho dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2020 đạt 2,9%, thành tích tốt nhất trong khu vực trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng nhìn chung đều ở mức âm.
Ảnh minh họa
Thời điểm đột phá
Việt Nam có được thành tích này một phần là nhờ khả năng đối phó kịp thời và hiệu quả với dịch bệnh. Ngay sau khi Trung Quốc công bố những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, Việt Nam đã huy động người dân cả nước phát hiện và truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm.
Trước đợt bùng phát trở lại vào tháng 1 vừa qua, Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 1.500 ca mắc Covid-19 và 35 trường hợp tử vong.
Khả năng kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh đã cho phép Việt Nam mở cửa kinh tế trở lại vào cuối tháng 4/2020 và tập trung vào tiến trình phục hồi. Giống như ngành du lịch và dịch vụ, ngành sản xuất giai đoạn đầu cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau đó, nhu cầu trên toàn thế giới đối với các sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm tiện ích tại nhà và các sản phẩm khác đã tăng mạnh do tình trạng phong tỏa và việc mọi người phải làm việc và học tập từ xa.
Sự gia tăng nhu cầu này là động lực lớn cho lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Các nhà phân tích cho rằng, hiện là thời điểm đột phá của Việt Nam và Hà Nội cần phải nắm bắt các cơ hội mà khả năng xử lý dịch bệnh tương đối thành công mang lại.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như đang làm đúng điều đó khi đặt ra những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà một trong số đó là tăng gấp đôi GDP vào năm 2025, so với mức của năm 2020.
Việt Nam cũng duy trì mục tiêu dài hạn từ nước có thu nhập trung bình hiện nay trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Chúng ta đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh tư nhân hóa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và gia tăng tỷ lệ các công ty tư nhân trong nền kinh tế từ mức 42% hiện nay lên hơn 50%. Một mục tiêu then chốt khác là nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng tốt hơn.
Mặc dù các nhà phân tích lạc quan về khả năng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và phát triển – thậm chí trở thành hiện tượng thần kỳ tiếp theo ở châu Á, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện một số tham vọng của mình, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Những vấn đề khác bao gồm, tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, nhu cầu phải có cơ sở hạ tầng tốt hơn và sự hoạt động kém hiệu quả của các công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng
Thành công về kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua là kết quả của việc Chính phủ quyết định thực hiện chính sách Đổi mới vào năm 1986 với một loạt cải cách kinh tế và chính trị.
Tiến trình tự do hóa thương mại – với việc gia nhập Khu vực thương mại tự do thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ năm 2000 và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007 – đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng xuất khẩu.
Sau đó, Việt Nam còn ký thêm một số thỏa thuận thương mại, trong đó có thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực năm 2020 và gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia và Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia.
Thông qua những cải cách trong nước, trong đó có việc bãi bỏ nhiều quy định, Chính phủ Việt Nam đã giảm bớt chi phí kinh doanh. Việt Nam cũng đầu tư nhiều vào giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Với sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất ở khu vực Đông Nam Á khi các nhà sản xuất hàng may mặc và các công ty điện tử khổng lồ thành lập nhà máy ở đây.
Năm 2017, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất và là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ hai trong khu vực.
Bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng thúc đẩy các công ty nước ngoài chuyển một số bộ phận sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ít nhất 5%/năm từ năm 2010, đạt 7% vào năm 2018 và 2019.
"Hòn đá tảng" tư nhân hóa
Sự gián đoạn đã xảy ra khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam vào tháng 1/2021, cản trở việc mua sắm của người dân trong dịp Tết cổ truyền. Do nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư nước ngoài, nên sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng từ việc các nước khác xử lý dịch bệnh như thế nào.
Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), nếu dịch bệnh không được kiểm soát trên toàn thế giới vào mùa Hè năm nay, thì mức tăng trưởng 4% đến 5% sẽ khả thi hơn đối với Việt Nam.
Mặc dù xử lý tốt dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức phía trước, như các nhà lãnh đạo đất nước đã thừa nhận tại Đại hội XIII.
Bất chấp các nỗ lực tư nhân hóa, các công ty thuộc sở hữu nhà nước vẫn chiếm gần 30% sản lượng kinh tế - như cách đây một thập kỷ - và nắm giữ nhiều khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp lưu ý rằng, tiến trình tư nhân hóa đã giảm tốc từ năm 2018 và đến nay cơ bản đã dừng lại, do việc tư nhân hóa một số công ty nhà nước vẫn gặp khó khăn.
Các nhà phân tích cho rằng, khả năng thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ các công ty tư nhân tham gia nền kinh tế lên hơn 50% phụ thuộc vào các biện pháp thu hút đầu tư.
Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn thu hút đầu tư có chất lượng tốt hơn, nhằm nâng cao vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị ở các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn, đồng thời giảm bớt các vấn đề về ô nhiễm.
Một số ngành công nghiệp, như may mặc, đang gây ô nhiễm ở mức độ cao. Phần lớn hoạt động sản xuất của ngành này còn ở trình độ thấp và sử dụng nhiều lao động. Và mặc dù lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đang phát triển nở rộ, nhưng phần lớn hoạt động vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp sản phẩm với giá trị gia tăng thấp.
Để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị, Việt Nam sẽ cần phải giải quyết một số vấn đề, trong đó có thực trạng thiếu lao động có tay nghề cao.
“Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và bất cập. Nền kinh tế chưa có khả năng chống chịu và tự chủ cao, hiệu quả của nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước còn thấp, tăng trưởng của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài chưa bền vững” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng