22/01/2025 lúc 22:37 (GMT+7)
Breaking News

Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh

Ngày 23/12, thành phố Đà Nẵng buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị về tình hình triển khai Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn trong năm 2021 và đề xuất kế hoạch thực hiện trong năm 2022.

Ngày 23/12 thành phố Đà Nẵng buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị về tình hình triển khai Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn trong năm 2021 và đề xuất kế hoạch thực hiện trong năm 2022.

Theo báo cáo, đến nay, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả nổi bật: Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với tổng điểm là 0,4874; đồng thời dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số (0,5346 điểm), Kinh tế số (0,4155 điểm), Xã hội số (0,4964 điểm). Đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2021.

Hội nghị, tình hình triển khai Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn trong năm 2021 - ảnh: CTTĐT

Về hạ tầng, thành phố đã xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, nghệ thông tin đồng bộ như: Mạng viễn thông dùng riêng (Mạng MAN) với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, Hệ thống WiFi công cộng miễn phí với 430 điểm truy cập và khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp (không kể các WiFi tại nhà hàng, cafe), Tổng đài dịch vụ công 1022, các Trung tâm giám sát chuyên ngành như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông,..

Bên cạnh đó, về dữ liệu số, thành phố đã hình thành các CSDL nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức,... và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai Phần mềm CSDL và QLNN chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện; Hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố; đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh,... Đồng thời, đã triển khai các nền tảng Chính quyền điện tử; Đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform); hình thành Trung tâm Giám sát Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và 12 dịch vụ tăng thêm khác. Đặc biệt, đã triển khai hiệu quả gần 20 giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19 như Ứng dụng quản lý và phân tích dữ liệu khai báo y tế điện tử, Thẻ vé đi chợ QR Code, Giấy đi đường QR Code, Cách ly F1 tại nhà,  bản đồ dịch tễ Covid Maps, Truy vết F1, F2 nhanh qua Tổng đài tự động,...

Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với tổng điểm là 0,4874

Về an toàn, an ninh mạng, đã hoàn thành mô hình 4 lớp an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành phê duyệt cấp độ 4 đối với Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố và cấp độ 3 đối với 19/25 hệ thống chuyên ngành; còn 06 hệ thống hoàn thành thẩm định, phê duyệt trong tháng 12/2021. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; trong đó thuê bao băng rộng di động 173 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn ghi nhận, đánh giá và biểu dương Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị, quận huyện thời gian qua nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Những thành tích thành phố đạt được trong thời gian qua là kết quả cả một quá trình nỗ lực. Phó Chủ tịch UBND thành phố cơ bản thống nhất các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022. Đồng thời, đề nghị các đơn vị, địa phương vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, sớm khắc phục các hạn chế, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng về công tác báo cáo cho thuận lợi để tổng hợp và có thông tin sau khi thẩm tra; hàng tháng có tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các phương án giải quyết với cấp trên.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi số.  Các địa phương sớm thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo/Tổ công tác chuyển đổi số. Cùng với đó, phải phát động phong trào thi đua trong từng cơ quan, đơn vị trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Tất cả các nội dung phải được lồng ghép trong kế hoạch của cơ quan, đơn vị, được tuyên truyền, phổ biến tại các hội nghị… ở địa phương, cơ quan, khu dân cư.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đẩy mạnh công tác triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là người đứng đầu. Vẫn còn nhiều cơ quan chưa thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác chuyển đổi số, chưa xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số trong ngành, địa phương. Các dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa, chưa chi tiết theo đặc thù, hoạt động nghiệp vụ của ngành, địa phương; các mục tiêu, chỉ tiêu còn thiếu so với mục tiêu, chỉ tiêu được giao trong Đề án; các nhiệm vụ, giải pháp chưa đảm bảo theo chức năng, nhiệm vụ, chưa xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp triển khai và thời gian hoàn thành.