VNHN - Nhằm mục đích tôn vinh tinh thần sáng tạo trong kinh doanh và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, ngày 19/10, Diễn đàn đối thoại năm 2019 với chủ đề “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, tại Diễn đàn đối thoại năm 2019 với chủ đề “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"
Tại Việt Nam, doanh nhân nữ đang đóng góp khoảng 30% GDP cho đất nước, tạo việc làm cho khoảng 30% lực lượng lao động, nhất là lao động nữ. Tuy nhiên, các hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của nữ giới vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ, vườn ươm cũng như kết nối để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, tuyên dương 18 ý tưởng đã được lựa chọn tham gia cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp cấp thành phố năm 2018, 2019. Hội LHPN các cấp cũng giúp đỡ và hỗ trợ nhiều ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp thành công với nhiều mô hình như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất....
Bên cạnh đó, nhiều chị em phụ nữ đã trình bày những khó khăn trong quá trình kinh doanh, khởi nghiệp như: quy mô, sức cạnh tranh doanh nghiệp nhỏ, thiếu các kỹ năng quản lý, điều hành; nguồn lực còn hạn chế; các cơ chế, chính sách còn phức tạp, chưa có sự linh hoạt...
Trong 3 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã hướng dẫn, tiếp nhận, hỗ trợ 519 ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp từ hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của hội viên dự thi các cuộc thi về khởi nghiệp và được hỗ trợ đầu tư như sản phẩm Nấm Hoàng Đế của HTX sản xuất nấm và nuôi trồng nấm An Hải Đông (quận Sơn Trà), sản phẩm nước rửa chén, rửa tay sinh học Minh Hồng (quận Liên Chiểu)...
Hội LHPN TP cũng giải ngân hơn 89 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển cho hơn 4200 phụ nữ vay vốn phát triển kinh doanh, kinh tế hội gia đình.
Trong thời gian qua, 5 hợp tác xã, 16 tổ/nhóm liên kết/dịch vụ được thành lập, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2700 lao động nữ với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu mỗi tháng/người.
Chị Lê Thị Huyền Trâm – Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang nêu ví dụ về ý tưởng khởi nghiệp, tổ chức sản xuất rau an toàn, đảm bảo chất lượng của chị em phụ nữ ở Hòa Vang. "Đây là xu hướng mới, tận dụng được lợi thế địa phương, có thị trường tốt. Thế nhưng, việc đưa ra phẩm ra thị trường gặp nhiều khó khăn như: chi phí kiểm định rất cao, giá thành rau tiêu chuẩn VietGAP cao, gặp khó trong cạnh tranh....", chị Trâm chia sẻ.
Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. “Cần tăng cường kết nối, thông tin về cơ chế, chính sách, các chuyên gia, các quỹ hỗ trợ, đầu tư... để phụ nữ khởi nghiệp có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ. Hội LHPN TP cũng cần nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hội viên thông qua các lớp tập huấn, tham quan, học tập...; đồng thời chủ động liên kết với với các tổ chức, đơn vị liên quan để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Các sở, ngành và Hội LHPN cần tăng cường, đề xuất các cơ chế chính sách thông thoáng để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp”, ông Thơ nói.
Hiện nay, Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% lực lượng lao động cả nước, là nguồn lực rất lớn trong khởi nghiệp, làm giàu. Tuy nhiên để bắt đầu khởi nghiệp, ngoài việc vượt qua sự thiếu tự tin, tư tưởng an phận thủ thường, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm, định kiến giới, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, hiện nay số doanh nghiệp do nữ làm chủ, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, khoảng 71% số phụ nữ đang làm việc ở Việt Nam là tự sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp và dịch vụ là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất; đảm nhiệm phần lớn các công việc trong nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn.
Vậy nên việc kết nối cộng đồng khởi nghiệp rất quan trọng, do đó, cần thêm nhiều vườn ươm, cộng đồng khởi nghiệp để phụ nữ có thể chia sẻ cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và thị trường, kết nối với các ngân hàng, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm… để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình.
“Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đã và đang xây dựng đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2027” trình Chính phủ phê duyệt, nhằm mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp của cả nước.”