29/11/2024 lúc 19:49 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc đua vaccine Covid-19: Luật chơi của kẻ mạnh

VNHN - Cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng, chống Covid-19 không chỉ là một thách thức khoa học mà, còn mang cả tính chính trị. Nhiều nước đã chi ra những khoản tiền lớn để đầu tư cho nghiên cứu nhưng cũng để được độc quyền tiếp cận nguồn vaccine quý giá, ước tính lên đến hàng trăm triệu liều.

VNHN - Cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng, chống Covid-19 không chỉ là một thách thức khoa học mà, còn mang cả tính chính trị. Nhiều nước đã chi ra những khoản tiền lớn để đầu tư cho nghiên cứu nhưng cũng để được độc quyền tiếp cận nguồn vaccine quý giá, ước tính lên đến hàng trăm triệu liều.

Với hơn một triệu người thiệt mạng và gần 35 triệu ca nhiễm bệnh trên toàn cầu, cuộc đua tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả giờ là một ưu tiên của nhiều chính phủ. Cuối tháng 6/2020, Trung Quốc là nước đầu tiên quyết định cho phép sử dụng vaccine có tên gọi là Ad5-nCoV, do hãng CanSino của nước này bào chế, cho mục tiêu quân sự.

Trung tuần tháng 8/2020, Nga gây bất ngờ khi cho triển khai vaccine Sputnik V, bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế. Tiếp theo đến Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ làm mọi cách để vaccine do hãng Moderna điều chế sẽ được đưa ra thị trường trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 3/11. Trong khi đó, chính phủ Anh dự kiến triển khai vaccine vào dịp cuối năm.

Cuộc đua tìm vaccine Covid-19 không đơn thuần là một thách thức khoa học mà còn mang cả tính chính trị. (Nguồn: Getty Images)

Vượt ngoài khuôn khổ khoa học

Việc tìm ra một vaccine Covid-19 "hiệu quả" và "an toàn", là một nhu cầu cấp bách. Cuộc nghiên cứu "khác thường" này đang huy động hàng nghìn nhà khoa học và nhiều nguồn tài trợ công từ nhiều nước giàu có trên thế giới. Chín loại vaccine từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu hiện đã bước qua giai đoạn 3 (thử nghiệm trên người) để thẩm định mức độ an toàn và tính hiệu quả.

Ba nhà quan sát độc lập Pauline Londeix, Jerome Martin - đồng sáng lập Đài quan sát Minh bạch trong các chính sách dược phẩm - cùng với Els Torreele, nghiên cứu sinh, cựu Giám đốc Chiến dịch tiếp cận y sĩ không Biên giới, cảnh báo trên tờ Le Monde (Pháp) ngày 24/9 rằng “Cuộc đua vaccine có thể gây tổn hại cho mọi ứng phó tế nhị với đại dịch”.

Theo các tác giả trên, nếu như những hứa hẹn do nhiều lãnh đạo thế giới đưa ra còn lâu mới thành hiện thực, cuộc đua này dường như để thỏa mãn những chiến lược thống trị địa chính trị, những lợi ích mang tư tưởng dân túy hay những lợi ích tài chính cho các hãng dược phẩm đa quốc gia, hơn là vì các lợi ích của cộng đồng.

Quan điểm này cũng được bà Nathalie Coutinet, nhà kinh tế học về y tế công của Đại học Sorbonne Paris Nord, đồng chia sẻ. Theo chuyên gia Coutinet, cuộc đua đã vượt ra ngoài khuôn khổ nghiên cứu khoa học, trở thành một thách thức địa chính trị và chính trị do có sự can dự của chủ nghĩa dân tộc.

Hãng dược mập mờ

Chưa có lúc nào nghiên cứu khoa học lại tăng tốc nhanh như lúc này. Ý tưởng nước nào, hay nền công nghệ nào sẽ giành được chiến thắng trong cuộc đua này đã khiến người ta quên đi quy mô của những thách thức y khoa được đặt ra cho phát triển vaccine hiệu quả.

Một nỗ lực khoa học vốn dĩ đòi hỏi từ 5-10 năm nghiên cứu và phát triển nay rút ngắn chỉ còn từ 1-2 năm. Theo bà Anne-Claude Crémieux, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Saint-Louis (Paris), sự việc cho thấy những sức ép chính trị to lớn trong và ngoài nước để có thể về nhất đã làm cho cuộc chiến tăng tốc nhanh hơn nữa.

Nhiều nhà quan sát lo lắng, trong cuộc tranh đua điên cuồng này, mà tư tưởng "phải nhanh chân về đầu" ngự trị, lý lẽ cạnh tranh tạo cơ hội cho sự mập mờ và thiếu tham vấn giữa các tác nhân, có nguy cơ dẫn đến việc tạo ra những vaccine kém chất lượng.

Việc "đốt cháy" các giai đoạn nghiên cứu cần thiết có nguy cơ gây tổn hại cho việc thẩm định tính "an toàn" và "hiệu quả" cho một sản phẩm sức khỏe con người. Mục tiêu phải dẫn đầu khiến các nhà bào chế của 8 loại ứng viên vaccine hiện nay chỉ tập trung vào một loại protein của virus mà bỏ qua nhiều hướng khai thác tiềm tàng khác nhiều hứa hẹn trong dài hạn.

Theo một thăm dò do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tiến hành tại khoảng 30 nước, 25% số người được hỏi tỏ ra ngập ngừng hay do dự về việc tiêm vaccine Covid-19. Việc giữ bí mật đề cương nghiên cứu càng làm cho mối nghi kỵ của người dân ngày càng lớn đối với các biện pháp phòng chống Covid-19.

Trên các mạng xã hội, các thông điệp chống lại việc tiêm vaccine Covid-19 ngày càng nhiều, đôi khi lan truyền cả những giả thuyết cực đoan hay mang hơi hướng của thuyết âm mưu.

Khi nào đến lượt các nước nghèo?

Sau cuộc đua tìm kiếm vaccine, nhân loại sẽ lại được chứng kiến một cuộc đua khác: Cuộc đua sở hữu nguồn thuốc quý giá này.

Nhà kinh tế học Nathalie Coutinet khẳng định sự thống trị "luật chơi của kẻ mạnh", đồng thời cho biết: “Điều này còn phụ thuộc nhiều vào hãng nào tìm ra được vaccine trước tiên. Khi những hãng dược nộp bằng sáng chế và được quốc tế công nhận, bằng sáng chế đó có giá trị toàn cầu, đồng thời cho phép hãng nắm thế độc quyền về những sản phẩm do họ phát triển”.

Theo bà Coutinet, thế độc quyền này cho phép hãng dược ấn định mức giá bán theo ý mình muốn. Nếu như Moderna hay Pfeizer là những hãng đầu tiên bào chế được vaccine, họ đã tuyên bố mục tiêu của họ là thu lời. Những hãng này cũng có thể đề xuất nhiều mức giá khác nhau tùy theo mức độ phát triển của từng nước.

Khi nào những liều thuốc rẻ mới đến tay người tiêu dùng ở những nước nghèo, đang phát triển? Một điều chắc chắn, những nước giàu đã có những hợp đồng với các hãng bào chế đặt hàng trước hàng trăm triệu liều thuốc. Trong cuộc đua này, Mỹ chi ra hơn 10 tỷ USD. Liên minh châu Âu đang trong cuộc đàm phán để có hơn một tỷ liều vaccine.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus hồi tháng 8 vừa qua đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng "chủ nghĩa dân tộc hoá vaccine". Một lời báo động dường như không mấy được lắng nghe trong khi thế giới tồn tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế.

Chương trình Covax, do WHO đồng điều hành, dự kiến mua 2 tỷ liều vaccine và sẽ được phân phối công bằng trên thế giới. Một nửa trong số này sẽ dành cho khoảng 100 nước có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, "nguồn dự trữ vaccine cho Covax còn lệ thuộc nhiều vào những gì còn lại sau các đợt mua hàng với giá cao từ những nước khác", theo như phân tích của ông Vinh-Kim Nguyen, đồng Giám đốc Global Health Centre, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva.

Theo một báo cáo do tổ chức Oxfam công bố, một số nước giàu chiếm 13% dân số toàn cầu dường như đã đặt mua trước một nửa số liều vaccine tiềm tàng.