Nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phần lớn dân số. Dù không bảo vệ con người an toàn tuyệt đối trước sự tấn công của virus nhưng vaccine giúp hạn chế nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.
Tỷ lệ bệnh nhân thể nặng và tử vong do Covid-19 tại Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh trong thời gian qua với sự hỗ trợ đắc lực của các loại vaccine.
(Ảnh: New York Times)
Phá vỡ mối quan hệ giữa số ca nhiễm, ca bệnh nặng và ca tử vong
Theo kết quả nghiên cứu do Đại học Imperial College London (Anh) công bố vào tháng 4/2021, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của nước này đã bắt đầu phá vỡ mối quan hệ giữa số ca nhiễm, số ca bệnh nặng hoặc số ca tử vong do Covid-19. Hiệu quả của vaccine được chứng minh thông qua việc số ca mắc Covid-19 tại vùng England giảm khoảng 60% trong tháng 3/2021.
Chương trình tiêm chủng cùng với các biện pháp phong tỏa toàn quốc đã làm giảm đáng kể sự lây lan của virus. Những người từ 65 tuổi trở lên có ít nguy cơ nhiễm virus nhất vì họ là nhóm đối tượng ưu tiên, được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình tiêm chủng toàn quốc. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng số ca nhập viện và tử vong giảm dần kể từ khi Anh triển khai tiêm chủng rộng rãi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine không bảo đảm sự an toàn tuyệt đối 100% cho con người trước sự tấn công của virus. Ngay cả người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, khi người đã được tiêm chủng nhiễm virus, họ có thể chỉ gặp phải triệu chứng nhẹ. Nhìn chung, rất hiếm trường hợp đã được tiêm chủng mắc thể nặng hoặc tử vong do Covid-19.
WHO khẳng định, vaccine là công cụ vô cùng quan trọng trong nỗ lực ứng phó đại dịch và bảo vệ con người trước nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Biến thể Delta đe dọa thành quả tiêm chủng
Những số liệu mới đây cho thấy một làn sóng dịch Covid-19 khác đang tấn công nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đợt dịch mới là biến thể Delta.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, biến thể Delta lan rộng tại 23 nước châu Âu và xâm nhập ít nhất 85 quốc gia trên thế giới. Cùng kỳ, theo giới chức Nga, 90% số ca mắc mới tại Moscow đều liên quan đến biến thể Delta.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon cảnh báo, biến thể Delta có thể gây ra khoảng 90% số ca mắc Covid-19 trên toàn khối vào cuối tháng 8/2021. Theo ước tính của ECDC, Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Alpha từ 40 đến 60%.
Tiến sĩ Ammon phân tích, dữ liệu ban đầu cho thấy, những người mới tiêm 1 mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Delta. Song biến thể này có thể không gây quá nhiều rủi ro cho người đã được tiêm chủng đầy đủ. Do đó, ECDC hối thúc người dân Liên hiệp châu Âu (EU) nên tiêm phòng đầy đủ càng sớm càng tốt trong mùa hè này.
Vaccine đã làm đảo chiều đường cong dịch tễ nguy hiểm tại hầu hết các khu vực ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là Delta, có thể đe dọa kết quả mà chương trình tiêm chủng cũng như các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mang lại.
Đại dịch của những người chưa tiêm vaccine
Giới chức Mỹ trong những ngày gần đây thừa nhận số ca mắc mới đang tăng vọt do biến thể Delta và tâm lý do dự đối với việc tiêm vaccine đã dẫn tới tỷ lệ nhập viện và tử vong gia tăng.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins ngày 20/7, trung bình số ca mắc mới/ngày tại Mỹ trong tuần qua là 32.278, tăng 66% so với con số này của 1 tuần trước đó và 145% so với 2 tuần trước đó.
Trung bình 258 người tử vong mỗi ngày trong tuần qua, tăng 13% so với tỷ lệ này của 1 tuần trước đó. Cùng kỳ, gần 25.000 người nhập viện do Covid-19, tăng 26% so với 1 tuần trước đó và 50% so với 2 tuần trước đó.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, tất cả những số liệu ngày càng xấu đi này đều liên quan đến một yếu tố, đó là những người chưa tiêm chủng.
Trong cuộc họp báo ngày 16/7, bà Walensky cho rằng: “Đại dịch này đang trở thành đại dịch của những người chưa tiêm vaccine”. Gần như toàn bộ ca tử vong và bệnh nhân nhập viện trên toàn nước Mỹ là những người chưa tiêm ngừa Covid-19.
Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát dữ dội, Tổng thống Joe Biden tiếp tục thúc giục người dân Mỹ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ngay lập tức. Ông nhiều lần khẳng định, tiêm vaccine không những là cách bảo vệ tốt nhất trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà còn là hành động yêu nước.
WHO cảnh báo, khi số ca nhiễm tăng, có thể biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan hơn sẽ xuất hiện. Việc quan trọng lúc này là hãy tiêm vaccine ngay khi đến lượt bạn.
WHO khuyến cáo, sau khi tiêm chủng, người dân nên tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa đơn giản, như giữ khoảng cách an toàn với mọi người, đeo khẩu trang, giữ phòng ở thông thoáng, tránh tụ tập, rửa tay và che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi.
Nguồn: Báo Nhân dân Điện tử