VNHN-Đó là khẳng định của ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos và đó cũng là chủ đề chính của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới của năm nay. Vậy thực chất cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là gì?
Ảnh minh họa
QUÁ TRÌNH ĐỊNH HÌNH
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 năm 1870 sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 năm 1969 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Tới ngày nay, một cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Có ba lý do giải thích tại sao thời đại ngày nay không chỉ là Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 3 kéo dài mà còn chứng kiến sự xuất hiện của một cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 ưu việt, đó là tốc độ, phạm vi và sự tác động hệ thống. Tốc độ của những đột phá ngày nay là chưa hề có tiền lệ. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử.
Trí thông minh nhân tạo đã luôn tồn tại quanh chúng ta, từ những chiếc xe hơi và thiết bị bay không người lái cho tới những trợ lý ảo trên mạng và phần mềm giúp biên dịch tài liệu. Trong những năm qua, đã có nhiều bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, nhờ sự gia tăng ở cấp số nhân của sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu rộng lớn, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc mới tới những thuật toán được sử dụng để tiên đoán về những sở thích văn hóa của con người. Trong khi đó, công nghệ chế tạo số đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học. Các kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp việc thiết kế qua máy tính với gia công thêm, chế tạo vật liệu và sinh học tổng hợp để khám phá ra sự cộng sinh giữa các vi sinh, cơ thể con người, các sản phẩm chúng ta tiêu thụ và thậm chí là những tòa nhà chúng ta đang ở.
THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI
Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Hiện nay, những người được hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận và sử dụng thế giới số. Công nghệ đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của mỗi con người. Gọi xe taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi trò chơi… tất cả đều có thể được thực hiện từ xa.
Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ đổi thay kỳ diệu lĩnh vực cung cấp, với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất. Chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này cũng có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế dần con người.
Cho tới nay, chúng ta chưa thể dự đoán được khả năng nào sẽ xảy ra, nhưng lịch sử đã cho thấy kết quả thường là sự kết hợp của cả hai viễn cảnh đó. Tuy nhiên, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên một sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao. Viễn cảnh này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội.
Một vấn đề kinh tế quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề xã hội lớn nhất liên quan tới cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đó là sự bất bình đẳng. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều đó giải thích tại sao khoảng cách về sự giàu có giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động ngày một gia tăng. Vì vậy, công nghệ chính là một trong những lý do gây ra sự đình trệ, thậm chí sụt giảm thu nhập đối với phần lớn người dân tại các nước có thu nhập cao: Nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề và trình độ thấp đã giảm. Kết quả là, một thị trường việc làm với nhu cầu tuyển dụng mạnh ở hai đầu cao và thấp nhưng lại trống rỗng ở giữa được hình thành.