22/11/2024 lúc 13:27 (GMT+7)
Breaking News

CưM’Gar – Thành quả quan trọng từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Nằm ở phía Bắc tỉnh Đắk Lắk, với địa hình bằng phẳng, màu mỡ, có hệ thống suối trải đều khắp địa bàn và với hơn 70% diện tích là đất đỏ bazan, CưM’gar là huyện giàu tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt đây là vùng đất thích hợp cho việc sản xuất các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Đảng bộ và đồng bào 25 dân tộc anh em trong huyện đã chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày một phát triển; trong đó Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được huyện đặc biệt chú trọng tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện CưM'Gar đợt 1 năm 2022

Từ những chủ trương đúng đắn và giải pháp phù hợp

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và chương trình «Mỗi xã một sản phẩm» nói riêng, những năm qua huyện Cư M›gar đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể để thực hiện chương trình. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản triển khai Chương trình: Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND huyện về việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2021; Kế hoạch số 511/KH-UBND ngày 25/8/2022 của UBND huyện về việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3233/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 v/v Thành lập Hội đồng OCOP và tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cư M’gar. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, UBND huyên đã triển khai ban hành khoảng 30 văn bản mời các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm, hội chợ giao lưu, quảng bá, giới thiệu, tăng cường liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên phạm vi cả nước. Công tác đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện chương trình được quan tâm thực hiện.

Huyện đồng thời hết sức chú trọng công tác tuyên truyền vận động và có biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân trên địa bàn tham gia; tăng cường hỗ trợ địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP; đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối quảng bá để sản phẩm được giới thiệu rộng khắp tại các thị trường ngoài địa phương.

Sản phẩm OCOP - Viên nghệ mật ong Kim Luyến 

Thành quả quan trọng

Cư M’gar là huyện nông nghiệp nên các sản phẩm OCOP cũng phải gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, gồm các sản phẩm cà phê, tiêu, các loại cây ăn trái và một số sản phẩm chăn nuôi. Phát triển sản phẩm OCOP cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, có 31 sản phẩm của huyện đạt 3 sao; đề nghị tỉnh đánh giá, phân hạng 07 sản phẩm 4 sao (trong đó 6 sản phẩm Hội đồng tỉnh chấm đạt 4 sao). Đã có 20 chủ thể; 11/17 xã, thị trấn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” số lượng chủ thể tham gia sẽ không ngừng tăng lên.

Có thể nói, cái được lớn của chương trình OCOP không chỉ nằm ở số lượng sản phẩm đạt chuẩn, mà thông qua chương trình, đã góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp và xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện nói riêng và của tỉnh Đắk Lắk nói chung. Kết quả của Chương trình OCOP tại huyện Cư M’gar đã góp phần khẳng định vị thế, giúp người nông dân trong huyện mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, đồng thời thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Bởi trên thực tế, khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, giá trị của các sản phẩm được nâng cao và trở thành hàng hóa. Cùng với chủ trương tái cơ cấu, chuyển từ làm nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP không dừng lại trong phạm vi thị trường của huyện, của tỉnh mà còn có cơ hội vươn tầm trên cả nước và xa hơn là cả ở nước ngoài. Minh chứng là đã có nhiều chủ thể OCOP tham gia tích cực trong việc đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để bán hàng.

Để chương trình được phát triển mạnh mẽ địa phương khi thực hiện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Khi các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường và mang bản sắc của địa phương. Phát triển được các sản phẩm thì phát huy được lợi thế của bà con nông dân trong quá trình sản xuất.

Sản phẩm OCOP - Trà Mãng cầu

Với chương trình OCOP, thời gian tới, huyện Cư M’gar tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về OCOP một cách sâu rộng hơn; Duy trì chất lượng và nâng hạng Sao sản phẩm OCOP; Tập trung quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, Hợp tác xã), hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ OCOP, các quầy hàng trưng bày sản phẩm tại điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài huyện. Cùng với đó, huyện Cư M’gar tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo đà phát triển cho sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của địa phương. Chú trọng tìm kiếm nguồn lực, kết nối các nhà tư vấn, đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triễn lãm... để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tình hình mới.

Võ Duy Lân

...