23/01/2025 lúc 02:52 (GMT+7)
Breaking News

Cục Quản lý thị trường Ninh Thuận: Duy trì bảo đảm ổn định thị trường trên địa bàn

Trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã bám sát và triển khai kịp thời những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, ... Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn.

Theo báo cáo tình hình thị trường trong tỉnh vẫn tương đối ổn định, đồng thời đây là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn trong năm như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4, 01/5, ... nên thị trường trong tỉnh khá sôi động, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhất là các hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm, ... Hàng hóa phong phú, đa dạng, không gây mất cân đối cung cầu hoặc hiện tượng đầu cơ, găm hàng, ... gây bất ổn thị trường, góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Trụ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên kể từ sau tết Nguyên đán, giá các loại nhiên liệu đầu vào như: xăng dầu, gas, sắt thép, phân bón, … từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao, đã kéo theo sự biến động giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tuy nhiên thị trường trong tỉnh vẫn tương đối ổn định, không xảy ra những hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, … gây bất ổn thị trường.

Tình hình hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại 06 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2021, nổi lên là hiện tượng nhập lậu hàng cấm, hàng tiêu dùng giá rẻ được các đối tượng buôn lậu thu gom từ các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nam đưa sâu vào nội địa tiêu thụ; mặt khác tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các hình thức như: kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, trốn lậu thuế, … vẫn tiếp tục xảy ra phổ biến ở nhiều mặt hàng khác nhau.

Chợ đêm Ninh Thuận được du khách đánh giá tốt, không bị thổi giá hay chặt chém.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác Phòng chống dịch Covid- 19; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm; thị trường dịp trước trong và sau tết Nguyên đán 2022; Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm năm 2022; tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 v/v tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng ôxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19; Công điện 960/CĐ-BCT ngày 01/3/2022 v/v tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang tại U-crai-na; ...

Qua đó đã kiểm tra xử lý 308 vụ (giảm 26,49% so với năm 2021); Vi phạm bị xử lý 102 vụ/107 hành vi (tăng 9,68%); Phạt vi phạm hành chính 442.050.000 đồng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 110.000 đồng; Trị giá hàng tịch thu trong kỳ 173.965.000 đồng; Trị giá hàng tiêu hủy trong kỳ 149.256.000 đồng; 206 vụ chấp hành tốt. Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra 259 vụ gồm các lĩnh vực: Thực phẩm, Thuế, Xăng dầu, Y tế, Xổ số...Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại,… đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, thu giữ nhiều loại hàng hóa vi phạm, hạn chế phần nào sự lưu thông hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường và giảm thiểu sự tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng.

Thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với 126 cửa hàng trên địa bàn tỉnh - ảnh minh họa.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, các cơ sở kinh doanh. Cục đã triển khai 07 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh truyền hình, báo,…), như: thực hiện chương trình tọa đàm với chủ đề “Giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp cuối năm”, phát trên sóng FM; phóng sự, đưa tin về bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Phan Rang, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, tiêu hủy thuốc lá điếu bị tịch thu; Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021;…

Qua đó tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân; đồng thời vận động các cơ sở trên địa bàn tự giác chấp hành pháp luật trong kinh doanh, không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm vệ sinh ATTP… Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các Đội QLTT đã tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 308 lượt/cơ sở kinh doanh. Tổ chức tuyên truyền ký cam kết “không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” đối với 94 cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi và ký Quy chế phối hợp với 10 Ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với 126 cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó công tác quản lý địa bàn đã được chú trọng và thực hiện thường xuyên, tiếp tục thiết lập và bổ sung cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc theo dõi, quản lý, mỗi kiểm soát viên được phân công và chịu trách nhiệm về địa bàn quản lý. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động ký cam kết đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tạo được sự đồng thuận của xã hội trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Nguyễn Hương - Mai Trinh