26/11/2024 lúc 02:50 (GMT+7)
Breaking News

Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa: Bảo vệ người tiêu dùng là nhiệm vụ "then chốt"

Có thể nói Ngành Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

Để có cái nhìn khái quát hơn về Lực lượng Quản lý Thị trường của tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi phỏng vấn đồng chí Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa.

Đồng chí Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn, Cục đã triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường như thế nào? Và đã đạt được những kết quả gì? Công tác quản lý, công tác tuyên truyền nói không với hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng thời gian qua?

Đồng chí Phạm Ngọc Sơn, Quyền Cục trưởng; Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khoảng thời gian khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện có hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, chống hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã quán triệt đến lãnh đạo các đơn vị trực thuộc chủ động chủ trì, phối hợp với ngành, lực lực chức năng trên địa bàn để triển khai thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường hàng hóa; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống,..

Bên cạnh đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, các chợ, trung tâm thương mại, các địa điểm tổ chức mô hình “Đưa chợ ra phố”, bán hàng bằng “Xe lưu động” và mô hình “Đưa siêu thị, cửa hàng ra phố”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường, tăng cường phân phối và lưu thông hàng hóa.

Trụ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa - ảnh: Đv cung cấp.

Song song với đó, Cục đã chủ động phối hợp với Sở, Ngành chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu công nghiệp, kiểm tra, giám sát hoạt động in ấn, kinh doanh văn hóa phẩm, .... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát thị trường, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, động viên các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục đã trao tặng Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh Khánh Hòa số tiền 20 triệu đồng và tặng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 thị xã Ninh Hòa 5000 chiếc khẩu trang y tế và 01 thùng (12 lít) nước sát khuẩn tay, trao tặng 25.000 cái khẩu trang y tế cùng 15 phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại 05 điểm Trường trên địa bàn huyện Vạn Ninh và huyện Khánh Sơn. Ngoài ra, trong thời điểm tỉnh Bắc Giang bùng phát dịch Covid-19, Cục đã chủ động phối hợp cùng Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ tiêu thụ 55,5 tấn vải thiều.

Từ năm 2021 đến nay, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp thực hiện 1.086 lượt kiểm tra, phát hiện 517 vụ vi phạm. Đã xử lý 522 vụ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3,9 tỷ đồng; buộc tiêu hủy 6.932 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, phụ tùng xe máy, thực phẩm; tịch thu 21.961 đơn vị sản phẩm.

Gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động ký trên 1.700 bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; không đầu cơ, găm hàng tăng giá bán không hợp lý; phát trên 10.000 tờ rơi tuyên truyền với các nội dung: “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số quy định mới về hoạt động thương mại điện tử”, “Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021-2025”. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với cơ quan Báo, Đài địa phương và Trung ương tuyên truyền với tần suất cao, đa dạng về hình thức các nội dung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết quả vận động ký cam kết và hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền...

Phóng viên: Thưa đồng chí, với tình hình thị trường đang biến động, việc những đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở xâm nhập vào thị trường, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chất lượng nguồn hàng hoá, nhất là đối với tỉnh Khánh Hòa là tỉnh có các tuyến đường giao thông đa dạng như đường biển, QL... giao thông thuận tiện. Cục đã có kế hoạch, biện pháp gì để nắm bắt, xử lý kịp thời? Trong công tác quản lý thị trường còn những tồn tại, vướng mắc nào? Đồng chí đánh giá như thế nào đối với tình hình thị trường ở tỉnh nhà nhất là những tháng cuối năm nguồn hàng hóa tăng cao?

Cục trưởng, Phạm Ngọc Sơn; Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa luôn chủ động, tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, làm tốt công tác dự báo tình hình, diễn biến về buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình diễn biến của thị trường phát sinh những vấn đề, lĩnh vực, nội dung, địa bàn cần phải tập trung kiểm tra trên địa bàn trong từng thời điểm, Cục đã xây dựng nhiều Kế hoạch kiểm tra chuyên đề để triển khai có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến ​​nghị với Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, sửa đổi, cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa cũng có một số tồn tại, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ:

(-) Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin còn chưa thường xuyên, chưa có sự phối hợp tổng thể của các đơn vị. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.

(-) Tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

(-) Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên ngành chức năng khó xử phạt, mà tuyên truyền, vận động, nhắc nhở lại không đủ tính răn đe. Trong khi đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở còn thấp; khi bị kiểm tra thì còn trốn tránh, đối phó.

(-) Về nhân sự: Hiện tại biên chế thực tế của đơn vị còn mỏng, chỉ có 48 công chức; bên cạnh đó, vừa thực hiện công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường vừa tham gia các nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như: Tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh…

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ lực lượng Quản lý thị trường năm 2022 - ảnh: Đv cung cấp.

Thông thường, hàng năm vào dịp cuối năm, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường diễn ra phức tạp và khó kiểm soát, năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Do đó, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa... Ngoài ra, phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các tuyến địa bàn trọng điểm; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ các tỉnh bên ngoài vào tiêu thụ trong nội tỉnh. Mặt khác, tăng cường kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với các báo, đài địa phương và trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

Cục QLTT Khánh Hòa và Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh - ảnh: Đv cung cấp.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, kế hoạch của Cục Quản lý thị trường tỉnh trong thời gian sắp tới nhằm giúp bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp và bảo vệ người tiêu dùng, trong bối cảnh hội nhập đa dạng, phát triển thị trường ngày một phức tạp như hiện nay ?

Cục trưởng, Phạm Ngọc Sơn; Trong thời gian tới, Cục tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, địa phương và Ngành về công tác quản lý thị trường, nội dung Quy chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa trong công tác chỉ đạo Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa thực hiện công tác quản lý thị trường tại địa phương, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; tập trung vào một số nhiệm vụ: 

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Hai là, Tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Ba là, Nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng Quản lý thị trường. Thực hiện đầu tư trang thiết bị cho lực lượng, nhất là những thiết bị kiểm tra nhanh về thực phẩm, xăng dầu...; Tăng cường đào tạo, tập huấn các kỹ năng về nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sử dụng công nghệ cao,... Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bốn là, Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

Năm là, Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý tiêu cực, luân chuyển công chức định kỳ, đột xuất ở các vị trí, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhiều điểm nóng,... Gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Sáu là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, phối hợp với các cơ quan Báo, Đài trong công tác tuyên truyền theo phương châm tăng về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung và chất lượng tuyên truyền. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Phóng viên, Xin cảm ơn đồng chí, chúc đồng chí sức khỏe và công tác tốt.

Nguyễn Hương