25/11/2024 lúc 04:33 (GMT+7)
Breaking News

Cuba tổ chức hội thảo về kinh nghiệm phát triển của Việt Nam

(VNHN)-Trong khuôn khổ Hội thảo Nghiên cứu chiến lược lần thứ IV của Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế Cuba (CIPI) diễn ra từ ngày 24 đến 26-10 vừa qua, một số diễn giả đã chia sẻ những nhận định về con đường phát triển của Việt Nam trong vài thập kỷ qua.

(VNHN)-Trong khuôn khổ Hội thảo Nghiên cứu chiến lược lần thứ IV của Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế Cuba (CIPI) diễn ra từ ngày 24 đến 26-10 vừa qua, một số diễn giả đã chia sẻ những nhận định về con đường phát triển của Việt Nam trong vài thập kỷ qua.

Ảnh minh họa

Với tham luận dưới tiêu đề “Việt Nam, con hổ châu Á mới trước những thách thức của trật tự quốc tế hiện tại,” tiến sỹ Ruvislei González Sáez, thuộc CIPI, đã nhấn mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong nhiều năm liên tục, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách phát triển từng bước các trung tâm công nghiệp từ quy mô nhỏ ban đầu và chính sách tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển.

Tiến sỹ Ruvislei González cũng trình bày những lợi thế và bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra “cuộc chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những thách thức đối với con đường phát triển của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế ngày nay.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, tiến sỹ Ruvislei González cho biết việc đánh giá Việt Nam là một “con hổ châu Á” không chỉ dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn thuộc hàng cao tại khu vực - một tiêu chí cơ bản truyền thống cho khái niệm “con hổ kinh tế” - mà còn bởi tốc độ tăng trưởng đó mang tới sự chuyển biến phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, như việc cải thiện tính cạnh tranh quốc tế hay giảm tỷ lệ đói nghèo một cách bền vững.

Về những thách thức, ông González nhận định mức độ phụ thuộc cao vào hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là việc tập trung vào một số thị trường lớn, khiến cho Việt Nam trở nên nhạy cảm hơn với các biến động trên trường quốc tế và đòi hỏi sự đa dạng thị trường lớn hơn.

Bên cạnh đó, theo tiến sỹ González, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng giáo dục để tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm của mình nhờ những nghiên cứu, sáng tạo; cũng như cần bảo vệ tốt hơn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cơ sở dễ bị tổn thương hơn trong nền kinh tế ngày càng mở.

Sau khi điểm lại một số cột mốc trong mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, thạc sỹ về quan hệ quốc tế Liurka Rodríguez Barrios, thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, khẳng định dựa trên cơ sở bề dầy lịch sử, sự tương đồng về định hướng và sự tin tưởng vững chắc, quan hệ giữa hai nước đang phát triển vào giai đoạn mới hướng tới những đóng góp cụ thể hơn cho công cuộc Đổi mới tại Việt Nam và Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội tại Cuba.

Bà Rodríguez Barrios cho rằng dù Việt Nam hiện lại là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cuba tại châu Á và trong khi đảo quốc Caribe cũng là điểm tiếp nhận đầu tư quan trọng của nước ta tại khu vực Mỹ Latinh, đây mới chỉ là những bước khởi đầu cho một mối quan hệ còn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Dưới tiêu đề “Những nan đề của một trật tự quốc tế đang chuyển tiếp: đe dọa, thách thức và cơ hội,” Hội thảo Nghiên cứu chiến lược lần thứ IV của CIPI bao gồm 21 cuộc thảo luận chuyên đề và quy tụ các diễn giả từ nhiều nước như Mexico, Colombia, Panama, Ecuador, Bolivia, Haiti, Costa Rica, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Palestine, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)./.