24/01/2025 lúc 21:46 (GMT+7)
Breaking News

Cửa sổ để "khoe" với thế giới

Vừa qua, những hình ảnh tuyệt đẹp trong dự án triển lãm trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" (Wonders of Vietnam) đã chính thức xuất hiện trên Thư viện Văn hóa và Nghệ thuật của Google, làm nức lòng nhiều tín đồ du lịch và khám phá khắp thế giới. Dự án do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) phối hợp Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện trong gần hai năm, mang đến 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao và nhiều tính năng tương tác hấp dẫn người dùng.

Vừa qua, những hình ảnh tuyệt đẹp trong dự án triển lãm trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" (Wonders of Vietnam) đã chính thức xuất hiện trên Thư viện Văn hóa và Nghệ thuật của Google, làm nức lòng nhiều tín đồ du lịch và khám phá khắp thế giới.

Dự án do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) phối hợp Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện trong gần hai năm, mang đến 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao và nhiều tính năng tương tác hấp dẫn người dùng.

Thư viện Văn hóa và Nghệ thuật của Google (Google Arts & Culture) là nền tảng thư viện số trực tuyến lớn nhất thế giới, được thành lập từ năm 2011 với mục đích số hóa di sản vật thể và phi vật thể của các quốc gia trên thế giới, nhằm giữ gìn và phát huy các di sản đó. Nền tảng này vừa giống một bảo tàng, vừa giống một tua du lịch trực tuyến, nơi mọi người trên thế giới có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi và miễn phí. Ðiểm nổi bật của nó là khả năng lưu trữ không giới hạn những hình ảnh và đoạn phim có độ phân giải cao, đồng thời ứng dụng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)…

Hình ảnh về hang Sơn Ðoòng trong bộ ảnh "Kỳ quan Việt Nam".

Với 35 triển lãm thành phần, "Kỳ quan Việt Nam" không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, mà cả những di sản văn hóa đặc sắc như kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn, lễ hội, làng nghề… nổi bật của Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, người được chọn thực hiện phần hình ảnh, đã chụp hơn 5.000 tấm hình trong suốt ba tháng đi khắp các tỉnh miền trung, sau đó chọn ra gần 1.400 tấm để đưa vào triển lãm trực tuyến. Anh cũng là cái tên khá nổi trong cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam nhờ cộng tác độc quyền với nhiều tạp chí, mạng xã hội nhiếp ảnh hàng đầu thế giới và theo đuổi thể loại nhiếp ảnh độc đáo là "storytelling" - hình ảnh kể chuyện.

Ðược chia thành nhiều chủ đề nhỏ, mỗi bức ảnh trong "Kỳ quan Việt Nam" là một câu chuyện (bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh), giúp người nước ngoài và cả nhiều người Việt có thêm hiểu biết về đất nước Việt Nam, qua những địa danh nổi tiếng như quần thể hang động ở Quảng Bình, các lăng tẩm ở Huế, các cây cầu bắc qua sông Hàn ở Ðà Nẵng, hay các làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Hội An (Quảng Nam)… Triển lãm trực tuyến đưa du khách bước chân vào hành trình đến Việt Nam bằng những thông tin thú vị, mang tính gợi mở, như "tám điều nên biết về Việt Nam" hay "năm điều bạn nên làm dịp đầu năm mới"… Tiếp tục khám phá vẻ đẹp bất tận của kỳ quan Việt Nam, người xem có thể lựa chọn các hang động kỳ vĩ, các đầm phá xanh thẳm, hay ngược dòng thời gian tìm về lịch sử cổ xưa, vừa ngắm cảnh vừa thưởng nhạc. Một trong những triển lãm gây ấn tượng mạnh nhất của dự án phải kể đến hang Sơn Ðoòng (Quảng Bình), hang động lớn nhất thế giới có khí hậu riêng, có hệ sinh thái riêng và có thể chứa được vài tòa nhà chọc trời… Không chỉ được chiêm ngưỡng những hình ảnh rộng lớn đến choáng ngợp và ánh sáng kỳ ảo, người xem còn được gia tăng trải nghiệm bằng âm thanh của tiếng gió thổi trong hang. Khi muốn tìm góc nhìn mới lạ hơn, người xem sẽ được thưởng thức bộ sưu tập hình ảnh toàn cảnh (panorama), hoặc ảnh chụp từ trên cao bằng các thiết bị bay điều khiển từ xa. Những điểm đến tưởng chừng quen thuộc như các bãi biển, con đường, bến cảng, cánh đồng, khu di tích… hiện lên với vẻ đẹp rất khác. Với những người quan tâm đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử, triển lãm giới thiệu các hiện vật hé lộ cuộc sống của vua chúa triều nhà Nguyễn, mô hình 3D của lăng Tự Ðức, lăng Khải Ðịnh, cổ vật Chăm-pa trong Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm (Ðà Nẵng), nhã nhạc cung đình (Huế), các làng nghề cổ như đèn lồng Hội An, gốm Phước Tích, gốm Thanh Hà…

Sáng kiến triển lãm trực tuyến "Kỳ quan Việt Nam" là một trong những nỗ lực nổi bật của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bắt đầu từ bốn tỉnh, thành phố miền trung là Huế, Quảng Bình, Ðà Nẵng và Quảng Nam, dự án đang và sẽ tiếp tục được mở rộng phạm vi, nhằm duy trì và lan tỏa sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam đến với đông đảo du khách quốc tế trong thời điểm du lịch quốc tế đang tạm thời "đóng băng". Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: Dự án triển lãm "Kỳ quan Việt Nam" giống như một "cửa sổ" để khoe với thế giới nền văn hóa đặc sắc và những kỳ quan, di sản của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến ngành du lịch toàn cầu, và khơi gợi cảm hứng du lịch Việt Nam ngay khi hoạt động du lịch được phục hồi.

Trong thời gian tới, các chiến dịch hợp tác giữa ngành du lịch Việt Nam và nhiều nền tảng số ứng dụng toàn cầu sẽ tiếp tục được triển khai, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam, hiện thực hóa tham vọng đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.