Thực hiện Quyết định số 350/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình, xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công trên địa bàn. Chính quyền và nhân dân huyện Cư Jút đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, được các chủ cơ sở gạch và nhân dân chấp hành thực hiện. Thế nhưng, trong thời gian tới còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Huyện Cư Jút (Đắk Nông) nằm trên trục quốc lộ 14, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây, cách Tp. Gia Nghĩa khoảng 110km về phía Bắc và giáp với nước bạn Campuchia với đường biên giới dài khoảng 20km. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngoài ra huyện Cư Jút cũng là một trong những huyện có nhiều cơ sở sản xuất gạch, vật liệu xây dựng trong tỉnh Đắk Nông. Với khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất gạch, vật liệu xây dựng đã mang lại công ăn, việc làm cho nhiều người lao động trên địa bàn huyện, góp phần vào khoản thu ngân sách của huyện, đáp ứng được phần lớn về nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Gạch ra khuôn mẫu đợi khô mới vào lò nung.
Sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 về việc quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng; Quyết định số 350/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình, xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công trên địa bàn. UBND huyện Cư Jút đã tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm tra, tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất vật liệu nung trên địa bàn. Nhìn chung, các cơ sở đều nghiêm chỉnh chấp hành, ký cam kết về thời gian ngừng hoạt động theo lộ trình. Tuy vậy, để nhìn nhận một cách thực tế thì việc thực hiện lộ trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kinh tế và nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn huyện.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất vật liệu nung, là nơi làm việc của hàng trăm lao động địa phương, là thu nhập chính của người lao động. Do đó, việc giải quyết việc làm và phát triển kinh tế cho người dân sau khi chấm dứt lộ trình vẫn là điều băn khoăn, trăn trở của chính quyền địa phương.
Nhiều lao động tại địa phương làm việc tại các lò gạch trên địa bàn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Đông – Trưởng phòng TNMT huyện cho biết: Căn bản về việc thực hiện lộ trình được các cơ sở chấp hành. Tuy vậy, nhìn vào thực tế thì các chủ lò đã xây dựng các lò gạch với khoản chi phí cũng đã rất cao, mà bây giờ tháo dỡ thì cái chi phí hỗ trợ cũng chưa có quy định cụ thể. Người lao động tại địa phương đang làm việc tại các cơ sở này cũng không phải ít, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn. Cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới cũng chưa có quy định. Khi số lượng người lao động thất nghiệp, không tìm kiếm được việc làm cũng là yếu tố dẫn đến việc mất an ninh – trật tự tại địa phương… Do đó, việc tìm kiếm công ăn, việc làm cho người dân tại đây là điều mà chúng tôi luôn phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết.
Ông Nguyễn Anh Đông - Trưởng phòng TNMT huyện Cư Jút trong buổi làm việc với phóng viên.
Sau khi chấm dứt lộ trình hoạt động, về phía chính quyền địa phương luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ trong việc chuyển đổi mô hình gạch không nung. Thế nhưng, chi phí để xây dựng và hoạt động theo mô hình chuyển đổi gạch không nung lên đến hơn chục tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của một số chủ cơ sở tại địa phương. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ và đầu ra của gạch không nung còn khá thấp, làm các chủ cơ sở rơi vào tình trạng phân vân, có nên đầu tư hay không?. Để phát triển hơn nữa về gạch không nung, đưa loại gạch này trở thành phổ biến trong các công trình xây dựng của người dân vẫn là một điều rất hạn chế. Thiếu những cơ sở sản xuất gạch không nung uy tín, chất lượng để người dân được tiếp cận, lưu thông trên thị trường một cách phổ biến. Vậy nên, cần phải có những cơ chế, chính sách để khuyến khích việc quảng bá sản phẩm để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với gạch không nung. Bên cạnh đó, phải đảm bảo được chất lượng cũng như giá thành sản phẩm, làm sao để phù hợp với nhu cầu thị trường và túi tiền của người dân.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Bằng (56 tuổi) – công nhân tại một lò gạch cho biết: “Tôi và vợ tôi đã làm công việc này được 7 năm, thu nhập một tháng của cả 2 vợ chồng khoảng 12 triệu đồng. Cũng có nghe nói sắp tới giải thể lò gạch nên cũng đang lo không biết làm việc gì. Mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ cho cách nào đó như vay vốn để mua bò, chăn nuôi hay làm ăn gì đó...”.
Ông Lê Văn Bằng cùng vợ đã làm việc tại lò gạch trên 7 năm, đây cũng là thu nhập chính của gia đình.
Theo báo cáo số 472/BC-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về việc tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thành tích đạt được còn tồn tại, hạn chế và nhiều nguyên nhân trong khi thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là những nguyên nhân, hạn chế khi thực hiện tại huyện Cư Jut. Tuy các chủ lò đã cam kết xóa bỏ lò gạch nung nhưng việc chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề còn nhiều hạn chế; Nguồn cung cấp vật liệu không nung còn hạn chế; Dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu không nung tương đối phổ biến nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ còn nhiều hạn chế, dẫn đến giá thành đầu tư cao; Nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác phát triển gạch không nung còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp thuộc loại doanh nghiệp nhỏ./.