10/01/2025 lúc 14:22 (GMT+7)
Breaking News

"Cú hích" kích thị trường

Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế.

Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế.

Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. 

Chính sách tài khóa là yếu tố trọng tâm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua. Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế.

Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là nguồn lực đến từ chính sách tài khóa với quy mô lên tới hơn 290 nghìn tỷ đồng.

Bình luận về gói chính sách lần này, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả cho rằng gói hỗ trợ lần này với quy mô tổng thể là 350 nghìn tỷ, chúng ta đã chỉ đích danh 2 chính sách chủ đạo, quyết định sẽ có tác động lớn đối với việc phục hồi, phát triển nền kinh tế. “Gói này không gọi là gói kích cầu hay gói kích thích kinh tế mà gọi là gói hỗ trợ phục hồi – phát triển kinh tế và cả xã hội. Đó là ấn tượng đầu tiên” – TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh và cho biết tiếp, “thứ hai, với 2 công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng hàng đầu là tài khóa và tiền tệ thì lần này chúng ta đã thấy chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột”.

Nội dung của 2 mảng chính sách đã được thiết kế có sự phối hợp đồng bộ, đây là điều không dễ được nhìn thấy trong những lần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô nói chung cũng như khi thực hiện các gói hỗ trợ nói riêng.

Ông Ánh cho biết, một điểm nổi bật nữa là nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa, khác hẳn so với tất cả những hỗ trợ về mặt thuế, thu ngân sách chúng ta đã triển khai. Nếu trước đây, chúng ta lấy trụ cột, chủ chốt là giãn, hoãn – tạm thời chưa thu vào ngân sách Nhà nước – thì lần này chúng ta trực diện đặt vấn đề và quyết tâm giảm các khoản thu vào ngân sách Nhà nước. Yếu tố quan trọng hơn cả là trước đây chúng ta cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khó khăn, khủng hoảng. Còn lần này, giảm thẳng vào thuế gián thu, ở đây là thuế GTGT.

TS. Vũ Đình Ánh phân tích cụ thể: Thuế suất GTGT phổ thông hiện nay là 10%, khi ta giảm chỉ 2% thôi nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và thực tế với chính sách này.

Với người tiêu dùng, chúng ta đang bị sức ép bởi thu nhập, việc làm bị tác động mạnh bởi dịch bệnh khi 24,7 triệu người bị ảnh hưởng, thì việc giảm thuế GTGT, người tiêu dùng sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu, từ đó có niềm tin, có điều kiện tốt hơn để tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống.

Một yếu tố nữa là việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt 2 mục tiêu: 1 là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng; 2 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Như vậy, có thể nói, đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.

“Trong các quy định chính sách hỗ trợ cũng có một điểm đặc biệt nữa là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ đối với chúng ta. Như trước đây, ta sẽ xác định đối tượng hỗ trợ là ai, nếu không thuộc đối tượng thì không được hưởng nhưng lần này tư duy hoàn toàn ngược lại, là chỉ quy định ai không được hưởng, còn lại thì đều nghiễm nhiên được hưởng. Đây là một cách làm hay của chúng ta. Không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn mà còn giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện” – TS. Ánh nói.

Tuy nhiên, có một điểm ông bày tỏ quan điểm khá lo ngại đó là gói đầu tư công. Có thể nói, đầu tư công cùng với xuất khẩu, cùng với tiêu dùng trong nước thường xuyên là trụ cột của nền kinh tế, của tăng trưởng. Nhưng, thời gian qua, việc giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công khá chậm. Nếu muốn chính sách hỗ trợ phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất thì chắc chắn ta phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân.

“Tôi cho rằng, gói chính sách lần này không chỉ mang tính kế thừa những gì đã thực hiện để cải thiện nâng cao hơn mà mang dấu ấn của hội nhập, của sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững” – ông nhấn mạnh.