12/01/2025 lúc 19:58 (GMT+7)
Breaking News

Covid-19 là 'ngọn lửa thử vàng' cho doanh nghiệp Việt

VNHN -  Chia sẻ với phóng viên GS. Hà Tôn Vinh tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ là nước phục hồi sớm nhất trên thế giới và Covid-19 là thước đo sự bền vững của doanh nghiệp Việt.  

VNHN -  Chia sẻ với phóng viên, GS. Hà Tôn Vinh tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ là nước phục hồi sớm nhất trên thế giới và Covid-19 là thước đo sự bền vững của doanh nghiệp Việt.  

 

GS. Hà Tôn Vinh. (Ảnh: NVCC)

Đánh giá của Giáo sư về tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế và doanh nghiệp (DN) Việt Nam?

Đại dịch Covid-19 là một thảm họa y tế và kinh tế toàn cầu chưa từng có trong vòng 100 năm vừa qua. Chỉ nhìn vào số người bị nhiễm bệnh và tử vong trên toàn thế giới; tốc độ lây lan đến gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ; thiệt hại về kinh tế, thương mại lên đến hàng ngàn tỷ USD; tôi tin rằng, một cuộc suy thoái toàn cầu đã bắt đầu và sẽ kéo dài đến nửa sau của năm 2020, thậm chí, có thể kéo dài đến hết năm 2021.

Covid-19 là một thảm họa ập đến không báo trước, một kẻ thù giấu mặt và hầu như mọi nền kinh tế và ngành nghề đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại, đầu tư lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang chịu cú sốc ban đầu về nguồn cung cũng như tác động giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm một nửa, xuống mức 3.8% so với mức 6.9% cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, cũng chính vì là một nền kinh tế nhỏ và có mức tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn “vùng đệm giảm sốc”. Bên cạnh đó, biện pháp cách ly toàn xã hội của Chính phủ cùng các gói hỗ trợ cho người nghèo và các DN nhỏ và vừa đã được đưa ra kịp thời và có tác dụng rõ rệt.

Cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác, đại đa số các DN Việt Nam đều là DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Một khảo sát gần đây cho biết, có khoảng 75% DN có nguy cơ dừng hoạt động hoặc bị phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng.

Điều này thể hiện, đa số các DN không có quỹ dự phòng hoặc không có đủ doanh thu để trả chi phí, như chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động, trả lãi ngân hàng, chi phí hoạt động kinh doanh hay sản xuất.

Doanh thu của rất nhiều DN cũng đã sụt giảm từ 50% đến 90%. Điều này kéo theo một hệ lụy chưa từng có đó là hàng triệu người sẽ bị mất việc hoặc phải sống dựa vào hỗ trợ thất nghiệp của Chính phủ.

Việc Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc phục hồi kinh tế sau khi tạm khống chế được dịch bệnh là việc làm cần thiết và đúng thời điểm. Vấn đề còn lại là chờ xem tác động tích cực của các biện pháp hỗ trợ và phục hồi kinh tế của Chính phủ có tác dụng đến đâu.

Giáo sư dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam hậu đại dịch Covid-19?

Tất cả đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đang bị khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Sức mua hàng hóa Việt Nam vì thế bị chững lại và khó có thể được phục hồi trong thời gian ngắn.

Với đa số các DN thuộc nhóm DN nhỏ và vừa, Việt Nam sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường và dịch chuyển để tồn tại và phát triển. Nếu Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang bị chậm trễ hay tạm dừng, kinh tế Việt Nam sẽ bớt bị động và giảm tác động tiêu cực của Covid-19.

Việt Nam cũng có thể tính đến việc vay từ các tổ chức tài trợ với lãi suất ưu đãi như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước.

Theo ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng cao trong năm 2021 khi các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam ổn định và tăng trưởng trở lại.

Tôi tin rằng, với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế của Chính phủ và sự ủng hộ của toàn dân và cộng đồng DN, Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong việc hoàn toàn kiểm soát được dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thương mại sớm nhất trên thế giới. Đến năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại và có thể sẽ đạt được mức cao như năm 2019.

DN Việt Nam cần trang bị những gì để giảm thiểu tác động hoặc luôn chủ động ứng phó với biến động kinh tế như đại dịch Covid-19, thưa Giáo sư?

Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, chúng ta thường nghe câu “Không ai thương mình bằng mình và không ai biết mình bằng mình”. DN Việt Nam, qua đại dịch Covid-19 này rất thấm thía với triết lý sống và kinh doanh nói trên. Có 3 giải pháp cho các DN như sau:

Thứ nhất, đại dịch nào, khó khăn nào rồi cũng sẽ đi qua hay đi mãi rồi cũng sẽ đến cuối đường hầm. Trong giai đoạn này, DN chỉ cần có một mục tiêu duy nhất, đó là phải tồn tại, phải cố chịu đựng cơn bão táp và phải “ẩn mình chờ thời”.

"Covid-19 đến rồi cũng sẽ đi, doanh nhân cần giữ vững niềm tin vào chính mình, vào sản phẩm và vào khả năng vượt khó của mình. Vượt qua khủng hoảng niềm tin có lẽ là điều doanh nhân cần phải làm trong lúc này. Sự tồn tại hay sống còn của doanh nghiệp trong và sau thảm họa là thước đo của sự bền vững, khả năng chống đỡ hay thành công của doanh nghiệp đó trong tương lai. Ngày mai trời lại sáng là điều hiển nhiên!"
Hiện tại, DN Việt phải hoàn toàn làm chủ được các biện pháp kinh doanh để đạt được mục tiêu ngắn hạn nêu trên. Bên cạnh đó, phải giảm bớt các chi phí có thể giảm được như lương và phụ cấp của lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, các chi phí marketing, quảng cáo, chi phí thuê nhà, thiết bị qua việc đàm phán lại hợp đồng, rút lui dựa vào các điều khoản bất khả kháng, yêu cầu giảm trả lãi hay nợ của các khoản vay mượn, hoặc tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động trong vòng 3 đến 6 tháng…

Thứ hai, sau khi đại dịch đi qua, DN cần sắp xếp, cải tổ lại hoặc tìm một mô hình hay phương án kinh doanh mới hay phù hợp hơn với tài nguyên trong tay, thị trường mới. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để “khởi nghiệp” lại, hợp tác với các đối tác hay đối thủ kinh doanh khác.

Doanh nhân thường “nước đến chân mới nhảy” hoặc kinh doanh theo kiểu “còn nước còn tát”. Khi sự cạnh tranh trong kinh doanh còn ít, chi phí thấp, thị trường hạn hẹp doanh nhân sẽ thường đi theo lối mòn này.

Thứ ba, sau thời gian sắp xếp cải tổ lại DN, điều quan trong nhất là tìm một hướng đi, một mô hình kinh doanh, một thị trường, một hay nhiều đối tác và công nghệ mới để có thể phát triển bền vững. Một đại địch như Covid-19 đã làm đổ vỡ toàn bộ hệ thống, đảo lộn nguồn cung và cầu trên tòan thế giới.

Vì vậy, DN Việt cần có một cái nhìn mới về trật tự kinh tế và thương mại thế giới, một cái nhìn về cung cầu không bị lệ thuộc vào một hay một số đối tác có thể làm khuynh đảo doanh nghiệp.

Có lẽ đã đến lúc DN phải tự nhắn nhủ mình với câu “không mợ chợ vẫn đông” để có thể vượt qua mọi thử thách và phát triển bền vững. Nếu DN “thả diều khi gió đến” thì không có gì giới hạn được khả năng bay cao bay xa của DN. Covid-19 chỉ là “ngọn lửa thử vàng” mà thôi!

Xin cảm ơn GS!