02/12/2024 lúc 16:38 (GMT+7)
Breaking News

Corona và chính trị Trung Quốc cần được hài hòa

VNHN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa phải phát động một cuộc “chiến tranh” trên cả 2 mặt trận là chống virus corona chủng mới và giữ uy tín chính trị.

VNHN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa phải phát động một cuộc “chiến tranh” trên cả 2 mặt trận là chống virus corona chủng mới và giữ uy tín chính trị.

Đợt bùng phát dịch tân virus corona (nCoV) ở Trung Quốc đã khiến 723 người thiệt mạng ở phần lãnh thổ lục địa của nước này và làm hàng chục ngàn người khác nhiễm bệnh (theo số liệu thống kê công bố vào sáng 8/2/2020). Trước tình hình đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã huy động tổng lực bộ máy nhà nước dưới quyền chỉ đạo của mình.

Trung Quốc đã phong tỏa phòng dịch hoàn toàn đối với một số thành phố, dựng bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn, và triển khai bác sĩ quân đội và các đảng viên ra tuyến đầu – đây là một nỗ lực quy mô lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình ví như một chiến dịch quân sự.

Chiến dịch này có mục tiêu kép: Đánh bại dịch nCoV và giành chiến thắng trên mặt trận thứ 2, đó là dẹp tan các chỉ trích nhằm vào nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Tuần này, ông Tập Cận Bình công bố một “cuộc chiến tranh nhân dân”chống lại chủng virus corona mới, cam kết sẽ trừng phạt bất cứ ai bất tuân chỉ đạo của chính phủ. Hiện nay ông Tập cũng đối diện với sự bức xúc của người dân trước phản ứng của chính quyền đối với dịch corona lúc ban đầu.

Cơn bức xúc này bùng lên một lần nữa vào hôm 7/2 khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vì nCoV. Bác sĩ Lý trẻ tuổi là người đã cảnh báo sớm về nCoV nhưng lúc đầu bị cảnh sát địa phương nhắc nhở về chuyện “tung tin thất thiệt”. Các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) – tâm dịch, đang bị quá tải. Địa phương này cũng thiếu thốn thiết bị y tế và lương thực. Khoảng 60 triệu dân đang bị cách ly tập thể trên quy mô lớn nhất trong lịch sử. Sự bực tức ở Trung Quốc đang dồn vào giới chức tỉnh Hồ Bắc về việc che giấu dịch vào giai đoạn đầu.

Tuy nhiên cũng nhiều người tỏ ra không hài lòng với tính chất cứng nhắc, quá tập trung trong hệ thống chính quyền do ông Tập xây dựng trong 7 năm qua. Xiao Qiang, một học giả tại Đại học California, Berkeley, cho rằng lãnh đạo Trung Quốc ngoài vấn đề y tế thì còn đang vấp phải một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ.

Ông Tập Cận Bình trước kia đã vấp phải chỉ trích từ một số thành viên trong giới doanh nghiệp và chính trị Trung Quốc về cách ông xử lý vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, cuộc chiến thương mại với Mỹ, và tình trạng biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc). Về phần mình, ông Tập quy trách nhiệm về thực trạng này cho các “thế lực thù địch ở nước ngoài”.

Khác biệt của dịch virus corona nằm ở chỗ nó làm cho nhiều người Trung Quốc cảm thấy bản thân họ bị đe dọa trực tiếp. Nếu dịch này không bị dập tắt sớm, nó sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như uy tín của cá nhân ông. Các tuyên bố mạnh mẽ của ông Tập trong thời gian qua liên quan đến việc chống dịch chưa làm một bộ phận dân chúng Trung Quốc hoàn toàn yên tâm. Trong các ngày gần đây, nhiều người ở Vũ Hán thậm chí còn đặt câu hỏi vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình không đích thân đến thị sát vùng dịch mà lại để cho Thủ tướng Lý Khắc Cường đi thay.

Một nhân viên cộng đồng kiểm tra thân nhiệt của một cư dân thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường – có vị thế số 2 trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, đã thăm Vũ Hán vào hôm 27/1/2020, đeo khẩu trang và đồ bảo hộ khi đi thăm các bệnh viện tại đây. Ông Lý đã được chỉ định đứng đầu một tiểu ban chuyên trách về dịch corona. Sau khi xuất hiện trên truyền hình lúc tiếp Tổng Giám đốc WHO vào hôm 28/1, ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trong các bản tin trên truyền hình nhà nước hay ở trang nhất của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận thuộc đảng cầm quyền tại Trung Quốc.

Một số người cho rằng việc ông Tập vắng mặt trên truyền thông là nhằm tránh áp lực nếu chiến dịch chống virus corona thất bại. Jude Blanchette, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trung tâm CSIS ở Washington (Mỹ), cho rằng trong các vấn đề như virus corona, Hong Kong, thương chiến Mỹ-Trung, ông Tập đều đưa những người được ông ủy nhiệm ra xử lý vấn đề, và nhờ đó ông có thể quy trách nhiệm cho cấp dưới khi vấn đề vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Trước cơn bức xúc của quần chúng sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, Ủy ban Giám sát Quốc gia – một cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, tuyên bố sẽ cử một đoàn cán bộ tới Vũ Hán để điều tra về cái chết của bác sĩ Lý. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình xem việc huy động quân đội và cách tiếp cận tổng lực như là phương cách trấn an các cư dân đang lo lắng ở vùng dịch, trong số này có những người đã giam mình trong căn hộ suốt 2 tuần cách ly. Ông Tập hôm 23/1 ra lệnh cách ly đối với thành phố Vũ Hán và một số địa phương khác.

Ông đã phái khoảng 1.400 bác sĩ quân đội tới Vũ Hán. Trước đó, ngày 19/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cử một đội chuyên gia y tế tới Vũ Hán do quan ngại về tình trạng lây nhiễm tăng cao. Đoàn y tế này do một chuyên gia kỳ cựu thời dịch SARS 17 năm trước đứng đầu. Họ kết luận rằng đợt bùng phát ở Vũ Hán nghiêm trọng hơn những gì giới chức địa phương công khai thừa nhận. Đoàn này đề nghị phong tỏa thành phố nếu cần thiết.

Một quan chức Vũ Hán am hiểu vấn đề này cho biết: “Chúng tôi ai cũng nghĩ đây (việc phong tỏa - ND) chỉ là phương án B. Chẳng có thành phố nào bị phong tỏa trong dịch SARS. Các chi phí về kinh tế khi làm vậy sẽ quá lớn”. Theo ông này, quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc cách ly Vũ Hán là bất ngờ. Nhiều chuyên gia y tế nước ngoài cho rằng cách ly trên quy mô lớn như vậy hiếm khi hiệu quả và gây ra nhiều vất vả cho những ai không bị nhiễm virus corona.