15/01/2025 lúc 21:39 (GMT+7)
Breaking News

COP28: Các nước hoan nghênh việc đạt thỏa thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch

Ngay sau khi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai đạt được thỏa thuận về chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, Chủ tịch hội nghị, ông Sultan Al Jaber cho rằng đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, song nhấn mạnh thành công thực sự nằm ở việc thực thi thỏa thuận.
Các quan chức COP28 sau khi đạt được thỏa thuận. Ảnh minh họa: Getty Images. 
Phát biểu trước các đại biểu tham dự COP28, ông Al Jaber nêu rõ các bên phải có những động thái cần thiết để biến thỏa thuận thành những hành động thực tế. 
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định cần chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và tiến trình này phải công bằng, hợp lý.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell kêu gọi các nước hành động ngay lập tức, theo đó tất cả chính phủ và doanh nghiệp biến các cam kết chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch thành những kết quả kinh tế thực tế.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra nêu rõ: “Lần đầu tiên trong 30 năm qua, chúng ta đạt được sự khởi đầu cho hồi kết của nhiên liệu hóa thạch" vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng giờ đây toàn thế giới đã có một thỏa thuận đa phương nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm phát thải để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bà cho rằng các nước cần hành động khẩn cấp trong thập kỷ quan trọng này và thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch. Theo Chủ tịch EC, thỏa thuận đạt được tại COP28  có thể  đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế lành mạnh và sạch hơn, đồng thời giúp thế giới đi đúng lộ trình hướng tới các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố tại Dubai, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher  nhấn mạnh sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đối với thỏa thuận trên là chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và ngoại giao khí hậu. Theo bà, các nước cần sẵn sàng có kế hoạch loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chú trọng vấn đề này. Người đứng đầu ngành năng lượng của Pháp cũng hoan nghênh việc thỏa thuận khí hậu tại COP28 lần đầu tiên đề cập năng lượng hạt nhân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh đây là sự công nhận mang tính lịch sử và là chiến thắng ngoại giao của Pháp. 
Cùng quan điểm trên, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhấn mạnh lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản rõ ràng như vậy về sự cần thiết của việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đây là vấn đề rất khó khăn và cuối cùng các nước dự hội nghị đã giải quyết được.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry bày tỏ hoan nghênh tinh thần hợp tác của các bên tại COP28. Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault nhận định thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 tạo cơ hội cho các hành động và động lực trong ngắn hạn nhằm thực thi tiến trình chuyển đổi sạch, thích hợp và an toàn để có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.  
Tại hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cho rằng các nước giàu phải dẫn đầu sự chuyển đổi năng lượng và cung cấp cho các quốc gia đang phát triển các biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu này. 
Được mô tả là kế hoạch dựa trên khoa học, thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP28 không sử dụng thuật ngữ "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch, mà thay vào đó kêu gọi "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách thỏa đáng, có trình tự và hợp lý, tăng tốc hành động trong thập kỷ then chốt này". Thỏa thuận cũng nêu rõ quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, trong đó giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019./.
Thanh Hương (TTXVN)
...