25/11/2024 lúc 08:58 (GMT+7)
Breaking News

COP26 là cơ hội hoàn hảo để nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu

Trong một bài viết ngày 1/11 trên trang nghiên cứu kinh tế và chính sách Project Syndicate, cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard đã đánh giá tầm quan trọng của Hội nghị COP26, đồng thời khẳng định biến đổi khí hậu đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Sau đây là trích lược bài viết.

Trong một bài viết ngày 1/11 trên trang nghiên cứu kinh tế và chính sách Project Syndicate, cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard đã đánh giá tầm quan trọng của Hội nghị COP26, đồng thời khẳng định biến đổi khí hậu đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Sau đây là trích lược bài viết.

 Hội nghị COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Anh. (Nguồn: Reuters)

Ấm lên toàn cầu và hệ lụy 

Tác hại của sự ấm lên toàn cầu không chỉ giới hạn ở tác động đối với môi trường. Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Anh) là cơ hội lý tưởng để các nhà lãnh đạo thế giới chứng minh rằng họ hiểu sự ấm lên toàn cầu đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và họ sẽ phải rút ra những bài học từ việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ví dụ, trong mùa mưa năm 2020 ở Bangladesh, lũ lụt đã làm ngập 1/4 lãnh thổ, hơn 1,3 triệu ngôi nhà bị hư hại và hàng trăm người thiệt mạng.

Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ khiến những sự kiện như vậy diễn ra thường xuyên hơn ở các quốc gia nằm tại các vùng trũng thấp như Bangladesh. Nó cũng sẽ dẫn đến nguy cơ lũ lụt ở quy mô tương tự ở nhiều khu vực trên thế giới.

Lũ lụt nghiêm trọng không chỉ phá hủy nhà cửa, mà nó còn khiến nước thải chưa qua xử lý chảy ra đường phố, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, lây nhiễm bệnh. Lũ lụt cũng phá hủy mùa màng, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Mực nước biển dâng cao khiến nguồn nước trở nên mặn hơn, làm tăng tỷ lệ cao huyết áp, tiền sản giật và sinh non ở phụ nữ có thai.

Đây hầu như không phải là những rủi ro sức khỏe duy nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiệt độ tăng dẫn đến tỷ lệ say nắng và đột quỵ tăng. Hạn hán kéo dài, lũ lụt nghiêm trọng cũng àm giảm năng suất và sản lượng nông nghiệp.

Hiện nay, con người vẫn chưa hiểu được đầy đủ hiện tượng ấm lên toàn cầu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hiện tượng này ngày càng rõ ràng khi những thay đổi đối với môi trường ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Thế giới cần sớm có một một chiến lược toàn cầu để giảm thiểu bệnh tật và tử vong liên quan đến khí hậu trong những thập kỷ tới.

Những "bệnh" không có vaccine

Trong chưa đầy 2 năm, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỉ người dân trên toàn thế giới. Chúng ta đã chứng kiến các nhà khoa học, chính phủ và doanh nghiệp hợp tác để phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và sản xuất vaccine.

Các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Hội nghị COP26 là cơ hội hoàn hảo để chứng tỏ họ hiểu rõ biến đổi khí hậu không chỉ là một thách thức cấp bách về môi trường, mà còn là một trong những thách thức cấp bách nhất đối với vấn đề sức khỏe mà chúng ta phải đối mặt.

Các chính phủ không đơn độc trong cuộc chiến này. Các tổ chức xã hội dân sự cần phải hỗ trợ trong những thập niên tới để giải quyết những thách thức về sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.

Chúng ta phải xây dựng một quy trình hợp tác toàn cầu nhằm tạo ra giá trị và quan trọng nhất là sử dụng bằng chứng khoa học để hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe cho mọi người.

Sẽ không có một loại vaccine nào có thể giúp con người chống lại tác động của các đợt nắng nóng, cháy rừng, hạn hán hoặc lũ lụt nghiêm trọng, vì vậy, việc giảm tốc độ tăng nhiệt độ toàn cầu là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Điều đó có nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính.

Việc cắt giảm lượng khí thải có thể có tác động trực tiếp, tích cực đến sức khỏe. Ví dụ, sự chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể làm tăng tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới ít nhất một năm.

Tương tự, việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn nhiều rau và ít thịt sẽ làm giảm khí nhà kính và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và sa sút trí tuệ.

Tuy nhiên, dù cắt giảm lượng khí thải sẽ làm giảm tác hại trong tương lai, việc này sẽ không loại bỏ các mối đe dọa đối với sức khỏe do sự ấm lên toàn cầu gây ra trong nhiều thập niên.

Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với cuộc sống trên một hành tinh ấm hơn. Ví dụ, để đối phó với nguy cơ lũ lụt ngày càng tăng, nhiều quốc gia như Mỹ và Việt Nam đang trồng rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn có thể phát triển ở khu vực nước mặn và góp phần giảm thiểu lũ lụt.

Nhiệm vụ lúc này của chúng ta là thiết kế một loạt lựa chọn sáng tạo mà mọi người trên khắp thế giới có thể sử dụng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Việc xử lý các "triệu chứng" không thể tránh khỏi của một Trái đất ấm hơn và giúp cộng đồng thích nghi là trách nhiệm của các chính quyền địa phương, nhưng chúng ta cũng cần có sự phối hợp quốc tế thông qua một chiến lược toàn cầu thống nhất về khí hậu và sức khỏe.

Điều đó sẽ không dễ dàng bởi thời gian không đứng về phía chúng ta nhưng tất cả đều nỗ lực thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.