Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tất yếu
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại, như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất,... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng. Để hiện thực hóa điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế đã chứng minh, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích cũng như tạo điều kiện để bà con nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”.
Theo đó, để từng bước phát triển nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ nhiều địa phương trên cả nước đã định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực với các đối tượng cây trồng, vật nuôi lợi thế của từng địa phương, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật tư hữu cơ với Tổng Công ty Sông Gianh để tổ chức triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm dần thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ đối với người dân. Theo ghi nhận đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa tạo sản phẩm đạt an toàn và tạo môi trường sống trong lành.
Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp và qua đó các Sở Nông nghiệp và PTNT đã định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với nhiều đối tượng cây trồng, với những mô hình sản xuất như: “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP”; “Thâm canh vườn cam, bưởi đạt chuẩn hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Qua quá trình triển khai thực hiện các mô hình có thể thấy được việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ với mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế bệnh tật và đạt hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo môi trường sống và phát triển sản xuất bền vững.
Hành trình với nông dân bằng cả trái tim doanh nghiệp
Đó là lời tâm huyết với nông dân của Tổng Giám đốc Công ty Sông Gianh - Nguyễn Đình Lực với Hội nghị đầu bờ sản xuất lúa hữu cơ tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Lực cũng khẳng định, Tổng công ty Sông Gianh đã từng bước tự khẳng định mình trên con đường đồng hành với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân ngày một giàu có lên. Bằng những hướng đi mạnh mẽ, bền vững, là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên sản xuất thành công và là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất phân bón hữu cơ sinh học tại Việt Nam của những năm cuối Thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 đến nay. Sản phẩm phân bón Sông Gianh đã luôn có mặt trên khắp mọi thị trường hơn 30 năm, luôn được bà con nông dân trên khắp cả nước đón nhận và tin dùng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty - Biền Văn Nga cho biết: Ban đầu chỉ có một cơ sở sản xuất nhỏ ở Quảng Bình, hiện nay Tổng Công ty chúng tôi đã phát triển, đầu tư lên 9 nhà máy sản xuất lớn trên cả nước. Từ chỗ sản xuất duy nhất một sản phẩm hữu cơ vi sinh, Tổng Công ty đã nghiên cứu, sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, với 3 dòng sản phẩm chính: Phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón NPK hữu cơ, phân bón lá được sản xuất trên dây chuyền công nghệ các nước tiên tiến nhất hiện nay tại Việt Nam. Trong những năm qua, Tổng Công ty Sông Gianh đã làm nhiều mô hình thực nghiệm, hướng dẫn bà con nông dân quy trình sử dụng phân bón Sông Gianh đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả để phát triển bền vững, liên kết thực hiện nhiều mô hình, chương trình về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, lúa hữu cơ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã cho kết quả cao, được tổ chức GlobalCert ghi nhận, đánh giá cao.
Công ty sẽ bảo hộ toàn bộ kể cả mất mùa do vì bão lũ cho nông dân
Đó là lời khảng định của Tổng Giám đốc - Nguyễn Đình Lực tại Hội nghị đầu bờ sản xuất lúa hữu cơ. Để phát triển lúa hữu cơ ngay tại một số tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, vụ Hè Thu năm 2020 Tổng Công ty đã liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh thực hiện mô hình: “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP” với diện tích 71 ha tại 4 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Đức Thọ và vụ Xuân 2021 - 2022, Tổng Công ty đã đầu tư triển khai thực hiện “Dự án liên kết sản xuất và kinh doanh gạo hữu cơ tại thị xã Ba Đồn, Quảng Bình” với diện tích 26ha sử dụng giống lúa ST25. Ngày 5/5/2022 Tổng Công ty đã phối hợp với thị xã Ba Đồn, Quảng Bình tổ chức Hội thảo đầu bờ để đánh giá Dự án. Tại hội thảo ông Nguyễn Đình Lực Giám đốc Tổng công ty Sông Gianh nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ, phục vụ đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Tổng Công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa sản xuất cung ứng các sản phẩm phân bón hữu cơ góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước”. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm truyền thống, đầu năm 2021 Tổng Công ty Sông Giang đã sản xuất sản phẩm mới “Phân bón hữu cơ sông Gianh GA-50”. Đây là sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ tự nhiên có hàm lượng hữu cơ cao, cùng với đạm hữu cơ và các Axit amin là sản phẩm phù hợp để sản xuất lúa hữu cơ mà dự án liên kết kinh doanh lúa - gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) đã sử dụng trong vụ Xuân 2022 vừa qua. Dự án đã triển khai thực hiện thành công và được đánh giá rất cao, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá và năng suất dự ước đạt 70 tạ/ha.
Tại Hội thảo ông Trương An Ninh - UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy đã khẳng định: Triển khai thực hiện Dự án đã khẳng định được Sản xuất hữu cơ liên kết với Tổng công ty Sông Gianh đang mở ra hướng đi triển vọng và bền vững đúng với tinh thần Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nông dân không phải bỏ chi phí sản xuất nhiều như trước đây, đặc biệt loại trừ dần thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ra khỏi đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe cho nông dân mà còn nâng cao giá trị kết nối chuổi sản phẩm lên từ 20 - 30%, sản phẩm an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường sinh thái, cần nhân rộng Dự án trên các địa phương toàn thị xã nói riêng cả tỉnh Quảng Bình nói chung. Cũng theo Bí thư Thị ủy, UVBTV Tỉnh ủy Trương An Ninh, để có được diện tích lúa hữu cơ đúng thực chất, Tổng Công ty Sông Gianh đã chọn ra cánh đồng lớn, sản xuất cách biệt không dùng chung nước tưới, quy trình bón phân, không để những ruộng lúa sản xuất bên ngoài lây lan dịch bệnh,… UVBTV tỉnh ủy Trương An Ninh cũng đánh giá cao dự án đầu tư của Công ty thực sự đã nói là làm, trách nhiệm với nông dân đến cùng, bởi công ty bao tiêu trọn gói, thu mua lúa ngay tại đồng ruộng khi nông dân gặt xong, giá cao hơn giá thị trường, mặc dù biết rằng đầu tư vào nông nghiệp chẳng khác gì “đánh bạc với trời”. Thế nhưng vì trách nhiệm với nông nghiệp, nông dân, công ty đã sẵn sàng đầu tư trọn gói, nếu đến khi thu hoạch thất bát vì thiên tai Công ty sẵn sàng bỏ tiền ra đền bù lại cho nông dân, hiếm có một doanh nghiệp nào tâm huyết như Sông Gianh.
Như vậy, có thể khẳng định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng và bền vững, không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra nông sản an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Anh Bình - Hữu Ngọc