29/11/2024 lúc 03:46 (GMT+7)
Breaking News

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của một số nước ASEAN – Kinh nghiệm cho Việt Nam

Khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo là yếu tố quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

1.Khái niệm Công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được nhiều nước bắt đầu thực hiện từ những năm giữa thế kỷ XX, vì vậy với những cách tiếp cận khác nhau thì cũng có những khái niệm có phần khác nhau, song có thể hiểu :

  • Theo nghĩa hẹp : Công nghiệp hoá là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp ( kinh tế tiền công nghiệp) sang nền kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp là chủ yếu sẽ giảm dần và nhường cho lao động công nghiệp là chủ yếu.
  • Theo nghĩa rộng:Công nghiệp hoá là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp ( kinh tế tiền công nghiệp) lên kinh tế công nghiệp, từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp, từ Văn minh nông nghiệp lên Văn minh công nghiệp.
  • Hiện đại hóa : Là quá trình thích nghi một cái gì đó với nhu cầu hoặc thói quen hiện đại. Ở góc độ kinh tế - xã hội, hiện đại hoá là quá trình chuyển dịch căn bản từ xã hội truyền thống lên xã hội hiện đại, là quá trình làm cho nền kinh tế và đời sống xã hội mang tính chất và trình độ của thời đại ngày nay.
  • Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Tw khóa VII Đảng ta khẳng định: “ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao “

2. Vài trò của khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo đối với Công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

  • Khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo là yếu tố quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
  • Khoa học công nghệ thúc đẩy hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
  • Khoa học công nghệ đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp ( bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, nhất là khoa học kinh tế) do con người tạo ra và thông qua còn người đến lực lượng sản xuất.
  • Khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo đã tác động mạnh đến thời gian của các phát minh : Thời gian một phát minh mới của khoa học ra đời thay thế cho phát minh cũ có xu hướng rút ngắn lại và phạm vi ứng dụng của một thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống ngày càng mở rộng.
  • Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã và đang hình thành và phát triển khá nhanh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 trong Đông nam Á về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khoa học công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị giatăng của các sản phẩm hàng hóa ( trên 30% giá trị công nghệ trong giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp). Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 2 trong 36 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng và đứng thứ 4 trong A ASEAN. Theo đánh giá của tổ chức năng suất Châu Á ( APO), giai đoạn 2010- 2019, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất, năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37% vào tăng trưởng kinh tế.

3. Kinh nghiệm của một số nước ASEAN về Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo

3.1 Hàn Quốc

Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy, quá trình CNH, HĐH trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của Hàn Quốc có ba giai đoạn cơ bản sau.

  • Giai đoạn giới thiệu công nghệ, là giải đoạn Hàn Quốc tập trung xây dựng mới các thể chế liên quan đến khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, bao gồm các bộ luật, Kế hoạch quốc gia, Viện nghiên cứu do Chính phủ tài trợ. Các viện nghiên cứu mới thành lập phục vụ khu vực tư nhân với tư cách là trung gian ký kết hợp đồng để tìm nguồn cung ứng công nghệ nước ngoài.
  • Giai đoạn nội địa hóa công nghệ, là giai đoạn Viện nghiên cứu dẫn đầu các chương trình R&D quốc gia phối hợp với khu vực tư nhân với vai trò trung gian đổi mới, trong khi Chính phủ tập trung tạo ra thị trường cho các công nghệ, từ giai đoạn này các chính sách KHCN, ĐMST bắt đầu hình thành lối đi.
  • Giai đoạn sáng tạo công nghệ, là giải đoạn các chính sách KHCN, ĐMST thay đổi từ các tập đoàn lớn sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ và liên doanh. Viện nghiên cứu do Chính phủ tài trợ và các trường đại học cơ bản lấp đầy lỗ hổng của R&D dưới mức tối ưu trong nghiên cứu cơ bản.

3.2 Trung Quốc

Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của Trung Quốc cũng có ba giai đoạn cơ bản sau.

  • Giai đoạn giới thiệu công nghệ, giai đoạn này Trung Quốc chủ yếu thực hiện cách tiếp cận Viện nghiên cứu ( GRI) từ phía cung với tư cách là nhà sản xuất và công ty tư nhân với tư cách là người sử dụng đổi mới, hướng các đầu ra R&D của GRI của họ vào sản xuất và thương mại nhưng không mấy thành công. Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của KHCN, ĐMST song các chính sách KHCN, ĐMST vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp, thay vào đó Chính phủ Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thương mại để hấp thụ các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, cách tiếp cận này dẫn đến ít thành công của Trung Quốc trong những năm 1980-1990.
  • Giai đoạn nội địa hóa công nghệ, giai đoạn này Trung Quốc chuyển sang cách tiếp cận từ phía cầu với khái niệm hệ thống đổi mới đã được thông qua với cuộc cải cách của Hệ thống KHCN&ĐMST, trọng tâm là các Viện nghiên cứu của Chính phủ và các trường đại học chuyển từ liên kết dọc sang liên kết ngang với ngành công nghiệp. Chính vì vậy các chính sách KHCN, ĐMST bắt đầu phù hợp với các chiến lược phát triển công nghiệp, đồng thời giai đoạn này Trung Quốc cũng nhấn mạnh khả năng đổi mới bản địa nhưng cũng chú trọng chuyển giao công nghệ thông qua các thỏa thuận liên doanh quốc tế dựa trên FDI.
  • Giai đoạn sáng tạo công nghệ, giai đoạn này Trung Quốc đặt mục tiêu cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao và mới, nổi dựa trên KH & CN đẳng cấp thế giới có hệ thống, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học – Viện nghiên cứu – ngành công nghiệp với các công ty tư nhân dẫn đầu các chương trình R&D quốc gia trong các lĩnh vực kỹ thuật số mới.

3.3 Thái Lan

Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của của Thái Lan có hai giai đoạn cơ bản sau.

  • Giai đoạn giới thiệu công nghệ, giai đoạn Chính phủ Thái Lan bị chi phối bởi các chính sách công nghiệp, thương mại và đầu tư, với sự quan tâm hạn chế trong các chính sách KHCN, ĐMST cho đến năm 1980. Từ những năm sau đó Chính phủ đã quan tâm hơn đến các chính sách KHCN, ĐMST, nhưng chủ yếu là cách tiếp cận từ phía cung, dẫn đầu là các trường đại học và Viện nghiên cứu tách biệt với các ngành nghề.
  • Giai đoạn nội địa hóa công nghệ: Sau khủng hoảng kinh tế châu Á, Chính phủ Thái Lan bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của KHCN, ĐMST như một công cụ để khắc phục những điểm yếu về cấu trúc của nó và đã nhấn mạnh cách tiếp cận từ phía cầu trong chính sách cấp thiết kế, tuy nhiên, chính sách ở cấp thực hiện còn rời rạc và kém hiệu quả nên hầu hết các hoạt động đổi mới đều do các công ty đa quốc gia dẫn đầu. 

4. Một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Thứ nhất: Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể thiếu khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo dù ở giai đoạn nào, các chỉ số khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo hết sức hữu ích trong việc chuẩn đoán các giải đoạn phát triển của công nghệ.

Thư hai: Để khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo luôn gắn kết và đồng hành cùng quá trình Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Chính phủ phải luôn chú trọng công tác xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch và chiến lược phát triển khoa học  công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, các chính sách KHCN và ĐMST phải luôn phù hợp và dựa trên cầu của thị trường.

Thứ ba: Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải luôn đặt công nghiệp là trọng tâm, phải luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, ptrên cơ Sở đó để huy động ngày càng nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cho khóa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, vì đó không chỉ tạo thêm nguồn lưc cho khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo mà còn là con đường ngắn nhất để đưa KHCN, ĐMST vào sản xuất và đời sống nhanh, song trong giai đoạn hiện nay, khi mà khu vực doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự lớn mạnh thì việc đầu tư kích cầu , tạo chất xúc tác của Nhà nước cho khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo phát triển mạnh ở khối doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng là rất cần thiết.

Thứ tư: Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, tiếp tục  chú trọng xây dựng hệ thống Pháp luật , các sàn giao dịch công nghệ để đẩy mạnh giao dịch, mua, bán, thuê các công nghệ, phát triển và hình thành các tổ chức môi giới, trung gian để kết nối cung – cầu khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo giữa các Viện nghiên cứu, các trường đại học với các doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, nhất là nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ các SMEs đổi mới công nghệ, chú trọng phát triển nguồn lực nhân lực khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, có cơ chế ràng buộc các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập xã hội hóa các kết quả nghiên cứu.

Thư năm: Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, trên cơ sở xây dựng chiến lược, nội dung, kế hoạch hợp tác phù hợp. Thí điểm xây dựng một số Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời hình thành một số Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và các nước có nền khoa học học tiên tiến. Khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và cá nhân trong nước với các đối tác nước ngoài, tạo điều kiện tốt nhất cho các Viện nghiên cứu, trường đại học tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài, tăng cường cử cán bộ đi học tập, tu nghiệp ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

Thứ sáu: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ theo hướng phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và thị trường. Chính phủ định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về khóa học công nghệ trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, bên cạnh đó cơ chế quản lý khoa học công nghệ  cần hướng tới đổi mới thủ tục thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ,khuyến khích mạnh tính sáng tạo của các nhà khoa học, có thêm các cơ chế, chính sách thu hút và giữ chân các nhà khoa học tâm huyết, tài năng trong và ngoài nước, tiếp tục tôn vinh, tạo môi trường làm việc thuận lợi, chuyên nghiệp cho các nhà khoa học. Công khai, minh bạch, đấu thầu cạnh tranh trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, đánh giá độc lập các sản phẩm khoa học công nghệ để không  ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả của nghiên cứu khoa học. /.

TS. Trịnh Văn Súy

Tài liệu tham khảo

1. Bộ KH&CN (2020 ), khoa học và công nghệ Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật

2. Bộ KH&CN (2021 ), khoa học và công nghệ Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật

3. Nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. ( Tạp chí lý luận chính trị số 541, tháng 3-2923)

4. Hội thảo khoa học quốc gia : Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là trên nền tảng khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo : kinh nghiệm quốc tế tế và bài học cho Việt Nam ( Nghệ An tháng 4.2023)

...