15/11/2024 lúc 22:39 (GMT+7)
Breaking News

Công bố đề tham khảo, phương án thi THPTQG; tiếp tục chấn chỉnh đạo đức nhà giáo

VNHN - Tuần qua thông tin giáo dục khá sôi động với việc Bộ GD&ĐT ra công văn về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và ngay sau đó là bộ đề thi tham khảo cho Kỳ thi này. Bên cạnh đó, diễn biến xung quanh các sự viên liên quan đến đạo đức nhà giáo cũng được dư luận quan tâm.

VNHN - Tuần qua thông tin giáo dục khá sôi động với việc Bộ GD&ĐT ra công văn về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và ngay sau đó là bộ đề thi tham khảo cho Kỳ thi này. Bên cạnh đó, diễn biến xung quanh các sự viên liên quan đến đạo đức nhà giáo cũng được dư luận quan tâm.

Những điều chỉnh của Kỳ thi THPT quốc gia

Một số điều chỉnh về Kỳ thi THPT quốc gia được chú ý liên quan đến việc chấm thi và xét tốt nghiệp.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019…

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

Theo đó, bên cạnh nhấn mạnh lại các điều chỉnh, những giải pháp kĩ thuật nhằm khắc phục triệt để gian lận trong Kỳ thi, ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh: mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người.

Do đó, cùng với giải pháp công nghệ này, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa ở trong Quy chế và văn bản hướng dẫn, xác định rất rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng, tham gia từng khâu, từng giai đoạn cụ thể, từng công việc cụ thể của quá trình tổ chức thi. Và giải pháp công nghệ là giải pháp hỗ trợ.

“Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết, tổ chức chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nhưng tôi cũng đề nghị các địa phương phải rất chủ động, đề cao trách nhiệm và phải sát cánh cùng với Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan khác, tiến tới cùng cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể tổ chức tốt, thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019” – ông Mai Văn Trinh chia sẻ trên Báo Giáo dục và Thời đại.

Bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được công bố sớm

Ngày  6/12, Bộ GD&ĐT chính thức công bố bộ Đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2019. So với năm 2018, năm nay đề tham khảo được công bố sớm, giúp định hướng giáo viên và học sinh trong dạy học, ôn tập trước Kỳ thi.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, nhiều giáo viên trên cả nước đã phân tích, nhận định đề thi. Nhiều thầy cô cho rằng, độ khó của đề so với đề thi chính thức năm 2018 đã giảm; các câu hỏi trong đề chính xác, khoa học, tăng cường yêu cầu học sinh tư duy, vận dụng kiến thức từ thực tiễn; nội dung kiến thức đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Nhận định về môn Văn, Thầy Nguyễn Văn Khoa – giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) – cho biết: So với đề thi THPT quốc gia văn 2018, cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức có sự thay đổi rõ rệt. Đề tham khảo năm nay buộc học sinh phải thông hiểu và biết cách vận dụng thực sự.

Với đề thi môn Hóa học, thầy Đặng Xuân Chất - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) ấn tượng nhất là đã có sự chú trọng hơn về câu hỏi về thí nghiệm (số lượng câu hỏi tăng); số lượng câu hỏi tính toán giảm ở tất cả các cấp độ.

Với môn Vật lý, thầy Phan Phúc Long - Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) - nhận định: Đề thi hạn chế những câu học sinh sử dụng các công thức tính nhanh, sử dụng máy tính cầm tay có kết quả. Tăng các câu tính tỉ lệ, tỉ số, năm vững bản chất vật lý, phát triển năng lực của học sinh...

Cùng với nhận định đề, giáo viên cả nước cũng chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên giúp học sinh học, ôn tập hiệu quả trước kỳ thi THPT quốc gia.

Tiếp tục quyết liệt chấn chỉnh đạo đức nhà giáo

Tuần qua, diễn biến một số sự việc xảy ra trong trường học liên quan đến đạo đức nhà giáo được dư luận quan tâm.

Có thể nói đến sự việc tại Trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) từ phản ánh báo chí cô giáo phạt học sinh bằng cách yêu cầu học sinh khác tát bạn, sự việc này đã được ngành Giáo dục, chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc. Cô giáo vi phạm đã bị tạm đình chỉ dạy học cho đến khi có kết luận cuối cùng về sự việc này.

Hoặc sự việc một học sinh bị cô giáo đánh bầm tím tại Trường tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa, Long An.

Ngay sau khi có thông tin về những sự việc này, Bộ GD&ĐT đều nhanh chóng có văn bản gửi ngành Giáo dục địa phương yêu cầu chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo (nếu có).

Đồng thời, chỉ đạo quán triệt trong toàn ngành việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo, về phòng chống bạo lực học đường và các quy định khác của Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Đặc biệt, sáng 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản số 5553/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các Sở GD&ĐT đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Theo đó nhấn mạnh cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Yêu cầu các Sở GD&ĐT thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lí, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra.

Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.../.

Theo Giaoducthoidai.Vn