An Nhơn vốn là vùng đất kinh thành. Trong lịch sử, năm 803, An Nhơn là đất của hai thành Chà Bàn và Thị Nại thuộc Chiêm Thành. Từ năm 938 đến năm 1470, An Nhơn là vùng trung tâm của Vương quốc Chăm Pa cổ đại, với thủ đô là thành Đồ Bàn tồn tại 5 thế kỷ (từ thế kỷ XI đến XV). Đến năm 1778, nhà Tây Sơn định đô ở An Nhơn, cải tạo và mở rộng thành Đồ Bàn, xây dựng thành Hoàng Đế. An Nhơn trở thành trung tâm chính trị của nhà Tây Sơn khi vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc xây dựng thành Hoàng Đế.
Cách thành phổ biển Quy Nhơn khoảng 20km, An Nhơn có địa hình trải dài dọc theo Quốc lộ 1A; có Quốc lộ 19 kết nối với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum,… có Cảng hàng không Phù Cát ở kế bên; có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phát triển; có rượu Bầu Đá, bún Song Thằn, nón lá Gò Găng, thủ phủ mai vàng nổi tiếng,…Năm 2011, TX An Nhơn được thành lập trên cơ sở dân số, diện tích của huyện An Nhơn. Năm 2022, An Nhơn trở thành đô thị loại III và phấn đấu trở thành Thành phố An Nhơn trước năm 2025.
Trước thềm lên Thành phố, An Nhơn công bố kết quả cuộc thi thiết kế Biểu trưng An Nhơn và khánh thành Nhà văn hóa, Quảng trường trung tâm TX An Nhơn. Nhà văn hóa trung tâm TX An Nhơn xây dựng ở Phường Bình Định, có hội trường sân khấu với sức chứa 700 chỗ ngồi, cùng hệ thống âm thanh, chiếu sáng, kỹ xảo sân khấu… Công trình có quy mô xây dựng gồm: khối nhà văn hóa 3 tầng nổi, 1 tầng bán hầm, tổng diện tích sàn 4.150 m2, có các khối phòng chức năng cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, võ thuật,… và các phòng quản lý, điều hành.
Ở Quảng trường trung tâm, có diện tích 1,1 ha, gồm các hạng mục: đường diễu hành, mặt lát nền đá granite, thảm cỏ cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhạc nước… sẽ là nơi giao lưu văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật.
Đình Chi- Văn Lịch