VNHN - Tờ Straits Times số ra mới đây có bài phân tích đánh giá, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã dẫn đến những sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thay đổi này gây ra nhiều thách thức cho các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng cũng mang lại cho khu vực này nhiều cơ hội.
Ảnh minh họa
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những tâm lý gây chia rẽ của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Dịch bệnh này đã bộc lộ thực tế cơ sở hạ tầng hậu cần của thương mại và đi lại trên thế giới có thể dễ dàng bị đứt gãy như thế nào bởi việc các chính phủ đóng cửa nhanh chóng đường biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Đi ngược lại chính tinh thần của toàn cầu hóa - đòi hỏi các đường biên giới kinh tế mở, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các nước phải quan tâm đến người dân của nước mình trước tiên trong việc sản xuất và phân phối các sản phẩm y tế thiết yếu.
Điều không may là tính cấp thiết của dịch bệnh đã nuôi dưỡng một số thói quen không tốt về kinh tế. Kết quả là giờ đây các chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực rất có khả năng trở nên ngắn hơn, dẫn đến sự manh mún trong hệ thống thương mại và việc tái phân bổ quy trình sản xuất về gần trong nước hơn.
Cho dù dịch Covid-19 sẽ qua đi, nhưng những hậu quả kinh tế của nó sẽ vẫn còn tồn tại trong một thời gian nữa. Hậu quả của xung đột thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ được cảm nhận lâu hơn vì nó phản ánh những sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu trong quan hệ chính trị và chiến lược giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo tờ Strait Times, để tận dụng được những cơ hội đó, các nước ASEAN cần phải cùng nhau hành động bằng việc tăng cường hội nhập kinh tế, vốn có vai trò trung tâm đối với cơ sở tồn tại của khối với tư cách là một tổ chức khu vực.
Nếu muốn nổi lên là một thị trường đang phát triển và là cơ sở sản xuất nhanh phục hồi, ASEAN phải có được vị trí chắc chắn trong chuỗi cung ứng lớn hơn của châu Á, tự đem lại cho mình vị trí là khu vực sản xuất của châu Á mở cửa với phần còn lại của thế giới.
Vai trò này của ASEAN là thực tế, ngay cả trước khi xung đột thương mại Trung-Mỹ nổi lên. Nhưng sự bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế này đã đẩy nhanh sự cần thiết phải có một nền tảng khu vực hoàn chỉnh, qua đó tạo điều kiện cho ASEAN nắm bắt được khoảnh khắc then chốt trong giai đoạn biến đổi kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh khủng hoảng, ASEAN có được một số lợi thế. Mười quốc gia thành viên ASEAN không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu địa chính trị mà Mỹ và Trung Quốc tạo nên ngày hôm nay. Cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu điều đó và điều chỉnh các chính sách của họ đối với khu vực Đông Nam Á cho phù hợp.
Sự tự do chiến lược này đem lại cho ASEAN không gian vận động kinh tế giữa hai cường quốc thế giới. Mối đe dọa về sự tách rời của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ không hủy hoại được tính tập thể của ASEAN. Khu vực Đông Nam Á có thể tiến về phía trước dựa trên cơ sở đó, nhưng chỉ khi ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc sự hội nhập khu vực.
Dù phải thừa nhận rằng, dịch bệnh Covid-19 đã gây trở ngại cho các nước ASEAN về mặt kinh tế, nhưng khi vượt ra khỏi giai đoạn tồi tệ này, các nước thành viên ASEAN cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng cách thức xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững hơn trong nội khối và đẩy nhanh tiếp cận với các khu vực khác trên thế giới. Chủ nghĩa khu vực mở là hòn đá tảng chống đỡ cho trật tự đa phương.
theo Strait Times và TG&VN