VNHN - Vừa qua, Việt Nam đã đưa ra những động thái khá thú vị để giải quyết các vấn đề kinh tế trong đại dịch Covid-19. Liệu cách thức của Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia. GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom, Hanoi đã đưa ra những nhận định.
Trước tiên, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch toàn cầu Covid-19 rất nhanh và quyết liệt. Các trường học đóng cửa, các sự kiện với đông người tham gia cũng bị hủy bỏ, người dân được nhắc nhớ thường xuyên về việc phải cẩn thận, cửa khẩu cũng từng bị đóng và hạn chế người di chuyển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Chính phủ không cho thấy dấu hiệu của sự hoảng loạn như cách mà châu Âu đang phản ứng. Sau khi phớt lờ sự nguy hiểm của dịch bệnh, những hành động không hợp lý của các Chính phủ châu Âu bắt đầu xuất hiện.
Hơn thế nữa, do các chính sách nghèo nàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những năm gần đây, họ khó có thể đưa ra những công cụ tiền tệ cần thiết trong thời điểm này. Tại Việt Nam, tình hình lại diễn biến khác. Những chính sách kinh tế gần đây của Việt Nam dường như sẽ hữu hiệu đối với nền kinh tế. Thứ nhất, Chính phủ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề xuất một vài công cụ kinh tế liên quan đến miễn giảm và gia hạn thuế, phí. Trước hết có thể nói rằng, gói hỗ trợ tín dụng tiềm ẩn ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ 250.000 tỷ đồng không phải, hoặc có ít, nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường, khoản tiền này sẽ dùng để gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch. Nói cách khác, khoản tiền sẽ nhằm mục đích “bôi trơn” để giúp các bánh răng trong nền kinh tế - các công ty vận hành.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom, Hanoi. Ảnh: Internet
Mặc dù, nguồn lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm nhưng ít nhất thì họ cũng duy trì được tính thanh khoản. Việt Nam nên chống lại sự cám dỗ của các chính sách lâu đời thuộc trường phái Keynes bởi điều này luôn yêu cầu sự can thiệp đắt đỏ của Nhà nước. Thực tế chứng minh rằng, đã có những khủng hoảng kinh tế và sẽ luôn có, vậy nên sẽ là không thực tế nếu tin rằng các công cụ của Keynes có thể loại bỏ chúng. Những can thiệp của Chính phủ có thể cần thiết trong trường hợp này, nhưng chúng nên được thực hiện với ý thức về tỷ lệ và giới hạn về thời gian nhất định.
Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn sau những biến động kinh tế này nhờ vào các gói hỗ trợ và cùng với đó sức ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới sẽ phát triển. Nguy cơ về sự sụt giảm của giá tài sản, đặc biệt là ở EU sẽ tạo các cơ hội đầu tư tốt cho Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA. Trong mọi trường hợp, thương mại tự do sẽ giúp tất cả các quốc gia hồi phục nhanh hơn. Cho đến nay, dường như chính sách chống khủng hoảng của Việt Nam thực sự có thể đóng vai trò là hình mẫu cho những quốc gia khác.
Bên cạnh đó, gói 30.000 tỷ cũng ít có khả năng gây ra lạm phát bởi lẽ mục đích của khoản này là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế và giúp các doanh nghiệp duy trình tính thanh khoản trong tài chính của họ. Tuy nhiên, với cả hai gói hỗ trợ, điều quan trọng nhất là đảm bảo thành phần tham gia biết cách thức các gói hoạt động và làm rõ ràng những đơn vị cần được ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ. Hiển nhiên, khi nguồn lực có hạn thì không nên dùng đại trà trên tất cả các thành phần tham gia. Đồng thời, đảm bảo nguồn tiền được sử dụng cẩn thận, tránh các rủi ro về lạm phát và lấy đi các nguồn chi trả cho chính sách tài khóa từ tay Chính phủ.
Không ai biết trước được đại dịch sẽ kéo dài trong bao lâu. Những phản ứng tài khóa tức thời sẽ trở nên ngày càng quan trọng và điều đó yêu cầu nguồn lực bền vững. Việc Ngân hàng Trung ương (SBV) cắt giảm lãi suất cũng đưa ra một tín hiệu quan trọng. Những chính sách đó có thể cho phép các công ty vay vốn một cách rẻ hơn. Không giống như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với mức lãi suất điều hành đã bị hạ thấp xuống tới 0 từ năm 2016 (ECB) và 16/3/2020 (FED), SBV vẫn còn chưa dùng hết “đạn” của mình. Không hiểu ECB có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường của họ thế nào thông qua các công cụ về lãi suất.
Lãi suất âm chính là một nguyên nhân khiến các cá nhân đổ dồn sang nắm giữ tiền mặt và tất nhiên đây là điều không ai muốn. Sự đi xuống của nền kinh tế có thể gây ra thêm nhiều thất vọng và cuối cùng sẽ là sự mất kiểm soát tuyệt đối của ECB. Thậm chí đến nay, việc ECB duy trì lãi suất không cũng gây ít nhiều khó khăn cho các ngân hàng tại châu Âu. Thường thì đến 70 - 80% lợi nhuận của Ngân hàng đến từ biên lãi ròng. Nhưng với mức lãi suất 0%, biên lãi ròng gần như là không có.
Các khoản vay với mức lãi suất rất thấp cho phép các “công ty ma” tồn tại và bong bóng tài chính hoàn toàn có thể xảy ra. Tại Việt Nam, tình hình có vẻ khả quan hơn. SBV vẫn còn nhiều khoảng trống trong sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, bài học của châu Âu chính là lời cảnh báo cho Việt Nam để chống lại việc hạ lãi suất điều hành bằng 0%. Tất nhiên, chính sách của Việt Nam cũng kéo theo rủi ro. Ví dụ, nợ quốc gia sẽ tăng lên. Kể từ năm 2016, nợ quốc gia đã gần mức trần tại 65%, điều đó khiến Nhà nước có ít không gian để vay thêm. Ngoài ra, có thể xảy ra việc các công ty phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ thay vì tự mình tìm cách thoát khỏi khủng hoảng – đây mới thực sự là điều sẽ khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn.