“Ma trận” dịch vụ độ chế pin
“Bộ pin mới giúp xe mạnh mẽ hơn, quãng đường chạy mỗi lần nạp đầy tăng khoảng 2,5 lần, trọng lượng xe nhẹ hơn khoảng 20 kg. Thời gian nạp từ 10~100% rút ngắn còn 5h”, là nội dung một bài quảng cáo trong một nhóm chủ xe điện ở miền Nam.
Trên các hội nhóm người sử dụng xe máy điện, không khó để tìm thấy dịch vụ độ, chế pin được một số cơ sở tư nhân quảng cáo công khai với thông điệp giúp xe của người dùng có thể đi được xa hơn mỗi lần sạc. Đồng thời, các “lò độ” cũng quảng cáo thêm rằng, so với pin chính hãng, chi phí cho pin độ chế rẻ hơn nếu xét về quãng đường di chuyển, trong khi vẫn có chính sách bảo hành của xưởng.
“Với bộ pin 70 Ah cho xe VinFast Klara, có thể đi từ 160 – 180 km mỗi lần sạc. Giá pack pin này cho xe Klara A1 khoảng hơn chục triệu đồng”, chủ một xưởng độ pin tại TP.HCM cho biết. Theo ông, đây là mức giá “mềm” hơn so với các loại pin chính hãng tới vài triệu đồng.
Những thông tin tương tự thường được một số chủ xe quan tâm, bởi cái lợi do các cơ sở độ vẽ ra. Tuy nhiên, không ít tình huống, vì tin vào lời quảng cáo “trên trời” mà người dùng phải chịu cảnh mất tiền, mất cả… pin. Bởi, phía sau những thông số ưu việt nhiều chủ lò độ đưa ra là nhiều góc khuất mà chủ xe không được biết.
“Vỡ mộng” với chiêu độ chế sơ sài, nhiều rủi ro
Từng được quảng cáo bộ pin lắp cho xe có dung lượng 55 Ah, anh Nguyễn Hoàng Hải cảm thấy bất ngờ vì chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng, quãng đường chiếc xe di chuyển được giảm hẳn so với ban đầu. “Tôi đến xưởng độ yêu cầu họ tháo pin để kiểm tra, dung lượng pin thực tế lúc này chỉ khoảng 40 Ah, thiết lập đấu nối rất cẩu thả”, anh Hoàng Hải cho biết.
Không chỉ gian lận về dung lượng pin, quy trình sản xuất, quy cách thiết lập bộ pin thường rất đơn sơ. Chủ xưởng độ thường cũng không đủ hiểu biết, trình độ hoặc sẵn sàng bỏ qua nhiều bước kiểm tra để tiết kiệm công sức lẫn vật tư khi thiết lập bộ pin. Đó là lý do trong nhiều tình huống, chính chủ xe cũng “rợn tóc gáy” khi tận mắt chứng kiến những tấm pin được lắp sơ sài hơn cả… dây bóng đèn.
Trong khi đó, theo một chuyên gia ngành kỹ thuật điện-điện tử, một bộ pin tiêu chuẩn phải trải qua rất nhiều bước kiểm tra và phải đáp ứng nhiều quy chuẩn trước khi đến tay khách hàng. Sản phẩm phải đảm bảo về chất lượng từ chất liệu đầu vào đến tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt, kiểm tra.
Vị này lấy ví dụ một bộ pin tiêu chuẩn của VinFast được sử dụng 2 lớp vỏ bảo vệ cell pin, các cell pin được giữ cố định, ngăn cách bởi bộ khung chắc chắn. Các bộ khung này sau đó được cố định vào lớp vỏ có khả năng chịu va chạm, rung động và được kiểm định kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, để đảm bảo yêu cầu an toàn cháy nổ, hệ thống bảo vệ pin cũng có nhiều lớp phòng vệ như cảnh báo, ngắt tạm thời hoặc ngắt điện hoàn toàn tuỳ thuộc vào giới hạn của cell pin.
Ngoài ra, một trong những yếu tố đảm bảo an toàn tối đa cho pin chính hãng nằm ở hệ thống quản lý pin (BMS). Với những thương hiệu lớn như VinFast, BMS có những cơ chế tự bảo vệ pin khi phát hiện bất thường ở mạch điện.
Theo giới chuyên gia, nhờ những quy định, nghiêm ngặt trong quá trình phát triển sản phẩm, các bộ pin của VinFast đều đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp như UN 38.3 - tiêu chuẩn thử nghiệm vận chuyển đăc biệt của Liên hợp quốc hay Tiêu chuẩn QCVN91:2019/BGTVT. Đây là những bộ tiêu chuẩn đòi hỏi thử nghiệm ở nhiều điều kiện như: nhiệt độ cao và thấp, thử nghiệm rung, va đập, đoản mạch, kiểm tra sạc quá mức, kiểm tra phóng điện cưỡng bức, thả rơi, ngâm nước…
“Không xưởng độ chế pin nào có đủ năng lực hay chi phí thực hiện các bài kiểm tra theo đúng quy định. Đó là lý do pin chính hãng an toàn còn pin rởm, trôi nổi thì ngược lại, càng dùng càng tạo mối nguy hiểm về an toàn cháy, nổ”, vị chuyên gia nhận định.
Theo ông, xe máy điện là xu thế tất yếu và sẽ ngày càng phổ biến trong thời gian tới. Người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin và đưa ra lựa chọn hợp lý, tránh tự đặt mình vào rủi ro, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người xung quanh.