02/05/2024 lúc 08:57 (GMT+7)
Breaking News

Chuyên gia hiến kế thúc đẩy thương mại - dịch vụ tại Nghệ An

VNHNO - Các bản tham luận, luận điểm của chuyên gia trình bày tại Hội thảo khoa học phát triển thương mại - du lịch Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến 2025, diễn ra vừa qua, đã gợi mở nhiều vấn đề giúp thương mại, dịch vụ Nghệ An phát triển.

VNHNO - Các bản tham luận, luận điểm của chuyên gia trình bày tại Hội thảo khoa học phát triển thương mại - du lịch Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến 2025, diễn ra vừa qua, đã gợi mở nhiều vấn đề giúp thương mại, dịch vụ Nghệ An phát triển.

Thời gian qua, hoạt động thương mại và dịch vụ tại Nghệ An phát triển nhanh, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, vùng miền. Giá trị sản xuất dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 7,1%/mục tiêu 9 - 10%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2018 tăng 11,8%; năm 2016 đạt 61.632 tỷ đồng; năm 2017 đạt 69.388 tỷ đồng; năm 2018 ước 75.400 tỷ đồng. 

Công nhân bốc xếp hàng hóa tại cảng Cửa Lò

Thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, phương thức kinh doanh ngày càng hiện đại. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có trên 5.500 doanh nghiệp và hơn 143.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; tổng số vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đạt gần 150.000 tỷ đồng; lao động trong lĩnh vực này khoảng 290.200 người, chiếm xấp xỉ 15,6% tổng lao động toàn tỉnh.

Dù vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ của Nghệ An hiện nay còn nhiều hạn chế. Hội thảo đã phân tích những cơ hội và thách thức đối với phát triển thương mại, dịch vụ Nghệ An trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giải pháp thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm... 

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - nêu tầm quan trọng của thương mại trên cơ sở phân tích bài toán nông sản trong tình trạng "được mùa, mất giá. "Thương mại đang đi chậm một bước, mới lo sản xuất mà không quan tâm nhiều đến thương mại. Nghệ An cần tổ chức lại thương mại, đặc biệt quan tâm phát triển chợ đầu mối, bởi đây là cầu nối trực tiếp giữa sản xuất và tiêu dùng" - ông Hồ Xuân Hùng nói.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, hội nhập kinh tế quốc tế với việc gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, VEFTA mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong sự phát triển dịch vụ của tỉnh, nhất là đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Nghệ An nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. 

"Cạnh tranh giữa các địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư sẽ tăng lên, trong khi Nghệ An chưa phải là địa phương đứng top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - mới đứng ở vị trí 20 nhưng những tiêu chí đo về phẩm chất bộ máy công quyền lại đang ở mức thấp. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước cũng tăng lên, trong khi các doanh nghiệp Nghệ An hoạt động tại quê hương phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít. Mức sống của người dân thấp hơn so với bình quân chung của cả nước… là những thách thức đối với Nghệ An" - ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển gợi ý giải pháp cạnh tranh giữa các địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế tạo; tạo thị trường cho phát triển dịch vụ cũng như phát triển mạnh dịch vụ logistics; xây dựng những trung tâm logistics tại TP. Vinh, thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai với quy mô phù hợp; tạo kết nối giữa các vùng nội tỉnh cũng như tỉnh bạn để phát triển, lưu thông hàng hóa, tăng giá trị của dịch vụ phân phối và phát triển dịch vụ du lịch.../.