Trang mạng aspistrategist.org.au ngày 11/1 đăng bài bình luận của Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass về một số dự báo "khả thi nhất" về thế giới năm 2023.
Đầu tiên, xung đột Nga-Ukraine, vấn đề nổi bật của năm 2022, sẽ tiếp diễn, mặc dù sẽ giảm tính khốc liệt. Ông Richard Haass cho rằng, cả Nga và Ukraine sẽ không thể đạt được một chiến thắng quân sự hoàn toàn, nếu chiến thắng này được hiểu là đánh bại phía bên kia và đưa ra các điều khoản về một giải pháp chính trị hoặc lãnh thổ sau chiến tranh.
Các nhà ngoại giao cũng sẽ chiến thắng, nếu chiến thắng đồng nghĩa là một thỏa thuận mà cả 2 chính phủ đều sẵn sàng ký kết và tuân thủ. Hòa bình đòi hỏi những nhà lãnh đạo sẵn sàng và có khả năng thỏa hiệp, 2 yếu tố rõ ràng là không có (vì những lý do rất khác nhau) ở cả 2 bên.
Thứ hai là sự nổi lên của Nhật Bản với tư cách là một tác nhân địa chính trị lớn. Tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã được điều chỉnh tăng lên 1,5% và chi tiêu quốc phòng hiện đang trên đà tăng gấp đôi, đạt 2% GDP. Nhật Bản, với một trong những quân đội có năng lực nhất trong khu vực, cũng sẽ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực.
Thứ ba, Triều Tiên được cho là gần như chắc chắn sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7, bên cạnh các vụ thử tên lửa thường xuyên. Cả Hàn Quốc và Mỹ sẽ không thể ngăn chặn những hành động như vậy.
Thứ tư, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn mạnh mẽ hơn vào thời điểm hiện tại do cùng sẵn sàng đối phó với Nga và giúp đỡ Ukraine, sẽ đối mặt với những mâu thuẫn gia tăng, do người châu Âu không hài lòng với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của Mỹ và người Mỹ không hài lòng với việc lục địa này tiếp tục phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Các mối quan hệ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những bất đồng đang nổi lên xung quanh mức độ hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao cho Ukraine và mức chi tiêu quốc phòng.
Thứ năm, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo của hầu hết các nhà quan sát hiện nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự đoán mức tăng trưởng chung là 2,7%, nhưng thực tế có thể thấp hơn. Bất ổn chính trị ở một số khu vực của châu Phi và châu Mỹ Latinh, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ tạo ra lực cản đối với hoạt động kinh tế toàn cầu.
theo aspistrategist.org.au