VNHNO - Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu khá giống với nhiều bệnh khác nên thường gây nhầm lẫn, dẫn tới việc chữa bệnh chậm trễ, bệnh phát triển nặng và biến chứng nguy hiểm.
Tay chân miệng ở Hà Nội tăng gấp đôi
Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay là hơn 1.600 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 770 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỉ lệ này dưới 5%. Hiện tại, có 12 trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm.
Tại BV Việt Nam - Cuba, TS Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi cho biết, cách đây 1 tháng, trung bình mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 3-4 tre mắc tay chân miệng, nhưng con số hiện tại đã tăng hơn 2 lần, từ 8-10 ca.
Nếu tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã có gần 54.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 6 trường hợp thiệt mạng tại các tỉnh phía nam.
Những con số trên cho thấy, bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh có con nhỏ cần bình tĩnh, trang bị cho mình khối lượng kiến thức về bệnh vừa đủ để có thể phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh khác từ sớm để con được điều trị sớm, hạn chế những biến chứng xấu.
Bệnh tay chân miệng thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm miệng do virus herpes
Những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn
Bệnh tay chân miệng có những biểu hiện gần giống với nhiều bệnh khác. Nên thường khiến cho các bậc cha mẹ nhầm lẫn với khác bệnh khác như thủy đậu hay loét - nhiệt miệng... dẫn tới chậm chữa trị, chữa trị không đúng cách, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và khó kiểm soát khi bị nặng.
Đặc điểm của bệnh lở loét miệng là trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng bỏng nước. Lúc vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng.
Còn các nốt ban ở do bệnh tay chân miệng thì hơi khác. Nốt thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt. Các nốt ban có kích thước từ 2 - 5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Theo các chuyên gia, để phân biệt trong tình huống này, cha mẹ nên kiểm tra xem những nốt bỏng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn chân, gối, lòng bàn tay, mông của trẻ hay không. Nếu có thì cần phải chú ý, bởi rất có thể lúc này trẻ bị bệnh tay chân miệng.
TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cuba cho biết, nhiều virus có thể gây các nốt ban đỏ trên da và loét trong miệng. Tuy nhiên có thể phân biệt virus tay chân miệng với các virus khác bằng độ tuổi của trẻ. Bệnh tay chân miệng hay gặp nhất ở nhóm trẻ từ 2 - 6 tuổi.
Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu từ các triệu chứng như sốt cao và đau miệng, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy cấp… các triệu chứng này khiến trẻ mệt mỏi kéo dài.
Sau đó, các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân.
Tay chân miệng là bệnh do virus nhiễm trùng cấp tính lây qua hô hấp, đường tiêu hóa, nên bệnh rất dễ lây lan thành dịch và phát triển nhanh.
Trẻ bị chân tay miệng thường có những nốt phát ban ở cả tay và chân
Hiện nay, tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu mà thuốc điều trị chủ yếu là để hỗ trợ triệu chứng.
“Một bệnh lý có triệu chứng gần giống với bênh tay chân miệng là viêm miệng do virus herpes. Tuy nhiên, bệnh lý này chỉ có loét miệng kèm sưng các nướu lợi, không có phát ban trên da”, TS. Xuân cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, trẻ từng mắc tay chân miệng không có nghĩa là không thể tiếp tục mắc bệnh này, bởi bệnh có một số tuýp Entero khác nhau. Các tuýp phổ biến nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và Enterovirus 71./.
Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ, các phụ huynh cần lưu ý: Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ lúc đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Cách ly trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Thường xuyên vệ sinh, tiệt trùng các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác cách ly mà đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Ngoài ra, khi trẻ bị tay chân miệng phụ huynh không nên kiêng khem quá cho trẻ. Vì khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày, vệ sinh răng miệng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước mới nhanh khỏi bệnh. |