25/12/2024 lúc 22:27 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi xanh và vấn đề hoàn thiện chính sách

Chuyển đổi xanh (Green Transformation – GX) là quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế và xã hội từ các mô hình truyền thống, dựa vào năng lượng hóa thạch và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên một cách không bền vững, sang các mô hình mới hướng tới sự bền vững và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Theo đó, mục tiêu của chuyển đổi xanh là tạo ra một nền kinh tế và xã hội phát triển mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi c

Theo đó, mục tiêu của chuyển đổi xanh là tạo ra một nền kinh tế và xã hội phát triển mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

 

Ảnh minh họa - TL

Bản chất của chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh (CĐX) nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường của các ngành và lĩnh vực khác nhau trong xã hội, khuyến khích lối sống ít gây hại cho hệ sinh thái. Các biện pháp có thể được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất năng lượng, giao thông, nông nghiệp và quy hoạch đô thị. Các yếu tố chính của chuyển đổi xanh có thể liên quan đến việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường quản lý chất thải và đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường. Một khía cạnh quan trọng khác của chuyển đổi xanh là thúc đẩy nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Sự hợp tác giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ, là điều cần thiết trong quá trình này.

Chính vì vậy, CĐX được xem là tiền đề quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và xã hội. Do đó, việc đầu tư và cam kết vào các nỗ lực này không chỉ là cần thiết mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp để xây dựng một tương lai bền vững cho chính mình và cộng đồng.

Gắn liền với xu hướng phát triển của các doanh nghiệp, CĐX đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi cách thức kinh doanh hiện nay nhằm tạo ra tăng trưởng, đồng thời bảo vệ nguồn lực, chuyển đổi hiệu quả ở cấp độ quy trình, vận hành, sản phẩm, mô hình kinh doanh và văn hóa. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải xanh hóa ngay từ bây giờ, từng bước một và tìm nguồn tài chính xanh cho sự chuyển đổi của mình. Đây là vấn đề rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vào các công nghệ xanh mới như: Hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn.

Những nỗ lực bước đầu

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trong tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á. Vì vậy, để đạt cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.

Trên thực tế, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Trong đó, có quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu… Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh...

Một số hạn chế và những giải pháp cần thiết

Hiện nay, hầu như ngành nào cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi xanh, nhất là các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất, dịch vụ…,  nhưng cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều gặp phải nhiều vướng mắc trong quy định chưa giải quyết được.

Theo các chuyên gia, điểm khó chung mà doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh đang gặp là hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo; một số quy định hiện hành gây vướng khi triển khai chuyển đổi xanh, vốn là một vấn đề mới ở nước ta. Có rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất.

Đúng là Việt Nam vẫn còn thiếu khung pháp lý quy định về phát triển kinh tế xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực và cả quy định về việc huy động nguồn vốn xanh. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các khung pháp lý cụ thể hơn đồng thời tận dụng kinh nghiệm, kiến thức quốc tế trong phát triển kinh tế xanh để không đi lệch hướng, không lãng phí nguồn lực. Cần thiết kế và hỗ trợ đồng bộ trong các chính sách liên quan đến môi trường, thuế, tín dụng… để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất xanh. Cần tổ chức cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung chính sách về khử carbon, như thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh. Cần có thêm những giải pháp để kích thích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tạo thói quen tiêu dùng xanh.

Một khía cạnh quan trọng khác của chuyển đổi xanh là thúc đẩy nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Sự hợp tác giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ, là điều cần thiết trong quá trình này. CĐX chính là một biện pháp quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các thách thức môi trường, với nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn cầu cam kết thực hiện nhiều sáng kiến ​​khác nhau về vấn đề này.

Tuy nhiên, thực hiện CĐX đối với nước ta còn gặp một thách thức không nhỏ, đó là vấn đề nguồn vốn, nguồn lực. Theo các tính toán, trong 10 năm tới, Việt Nam cần huy động hàng trăm tỷ USD đầu tư cho quá trình CĐX, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò dẫn đầu. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, chỉ riêng quá trình CĐX trong lĩnh vực năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ USD để đầu tư trong giai đoạn 2021-2050, để tăng công suất năng lượng tái tạo, đầu tư vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin lưu trữ điện, chuyển đổi xanh cho giao thông vận tải và xây dựng… Cho nên, nguồn vốn xanh thực sự là một khó khăn, thách thức hết sức lớn đối với nước ta. Có lẽ vì vậy mà Việt Nam chỉ có thể thực hiện kinh tế xanh từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, đưa ra những quy định khung, cơ bản, dễ thực hiện rồi sau đó bổ sung, hoàn thiện.

Nhưng điều rất quan trọng là, dù thế nào thì CĐX cũng cần phải làm ngay. Và sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực cụ thể:

1. Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn: Đây là quá trình tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu dùng mới, kết hợp các phương thức như chia sẻ, cho mượn, tái sử dụng, sửa chữa và tái chế tài nguyên hiện có. Mục tiêu là kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu lượng chất thải.

2. Nhân lực xanh:  Là nguồn lao động được đào tạo và nhận thức về giá trị của bảo vệ môi trường, để tích cực tham gia vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải và hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.

3. Nguồn năng lượng tái tạo: Bao gồm các nguồn năng lượng như nhiệt điện, gió, thuỷ điện và khí metan sinh học. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống kinh tế tuần hoàn, tuân thủ ba nguyên tắc chính: loại bỏ rác thải và ô nhiễm, kéo dài vòng đời của sản phẩm và nguyên liệu, và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.

4. Công nghệ xanh: Tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, như công nghệ khí sinh học trong giao thông, thu hồi carbon trong nông nghiệp và sử dụng năng lượng hydro trong lĩnh vực dầu khí, nhằm tối ưu hóa phát triển xanh và bền vững

Một cách tổng quan hơn, theo các chuyên gia, cần thực hiện 7 bước cơ bản để kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thành công. Đó là: Đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu; Thiết kế chiến lược phối hợp: Triển khai công nghệ thích hợp; Đào tạo và thay đổi văn hóa doanh nghiệp; Quản lý dự án và giám sát; Hỗ trợ hợp tác và truyền thông; Đảm bảo tuân thủ quy định. 

Trong quá trình đó, sự tư vấn, hướng dẫn từ các chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn trong việc kết hợp chuyển đổi số và xanh, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng việc giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Cũng theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp nhận thức đúng, đủ và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số-xanh, thì đó chính là 50% thành công của doanh nghiệp./.

Ths. Đinh Tuấn Hợp

...