14/12/2024 lúc 22:54 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số ở Nông Cống đạt được nhiều kết quả nổi bật

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và xuyên suốt quá trình phát triển, việc xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình sẽ tạo tiền đề lan tỏa toàn diện trên địa bàn, vì vậy huyện Nông Cống đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân chung tay thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Nông Cống tiếp tục thực hiện có hiệu quả các ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thư điện tử công vụ...

Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, ban ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền về các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện theo các Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước.

Đối với Chính quyền số, huyện Nông Cống tiếp tục thực hiện có hiệu quả các ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đặc biệt là phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thư điện tử công vụ…100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; thực hiện hiệu quả phần mềm theo dõi nhiệm vụ đối với các phòng, ban, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy cấp huyện hoạt động ổn định, hiệu quả. 100% lãnh đạo cấp ủy từ cấp huyện đến cấp xã đã được cấp và sử dụng chữ ký số; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành; 100% các đơn vị thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tại bộ phận một cửa, toàn bộ thông tin, hồ sơ công việc của công dân được tiếp nhận, lưu trữ trên môi trường điện tử và liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý để giải quyết. Tổng số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDoffice tính đến ngày 20/9/2024 là 9473 văn bản được ký số gửi trên hệ thống, tỷ lệ ký số là 100%. Đối với việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến một phần và toàn trình trên địa bàn huyện tính đến ngày 20/9/2024 như sau: Cấp huyện tiếp nhận và xử lí trực tuyến một phần 327/327 hồ sơ đạt tỷ lệ 100%; Tiếp nhận và xử lí trực tuyến toàn trình 573/573 hồ sơ đạt tỷ lệ 100%. Cấp xã tiếp nhận và xử lí trực tuyến một phần 3937/3926 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,37%; Tiếp nhận và xử lí trực tuyến toàn trình 1619/1582 hồ sơ đạt tỷ lệ 97,8%. Trang thông tin điện tử của huyện, 29 trang thông tin điện tử của xã, thị trấn và các ứng dụng trên điện thoại thông minh thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền và tương tác giữa chính quyền với người dân...

Đối với Kinh tế số, huyện tiếp tục phối hợp với Bưu điện, Viettel, VNPT hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể có sản phẩm là thế mạnh của huyện lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart, tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa; hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP của huyện; tuyên truyền, hướng dẫn người dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số để đông đảo người tiêu dùng được tiếp cận. Đến thời điểm hiện tại đã có 20 sản phẩm OCOP, Việt Gap đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; các sản phẩm thế mạnh được quảng bá trên các nền tảng số.

Về Xã hội số, huyện Nông Cống tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục triển khai có hiệu quả các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect, phần mềm tuyển sing đầu cấp để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tiếp tục thu nhận tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân đảm bảo việc thông tin giải quyết TTHC bằng phương thức duy nhất là tài khoản VNeID kể từ ngày 15/6/2024; cài đặt và hướng dẫn người dân tạo lập chữ ký số cá nhân cho người dân; các địa điểm tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông đều được gắn Camera để giám sát hỗ trợ bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự (550 điểm, 650 camera). Cùng với đó, đã có 194/201 thôn, tiểu khu có wifi miễn phí tại các nhà văn hóa phục vụ người dân truy cập internet. Ví như: Người dân đã thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán phí trong giải quyết thủ tục hành chính; sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa…Đa dạng kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin giữa chính quyền và người dân thông qua các nhóm Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử đã giúp người dân nhanh chóng nắm bắt kịp thời chỉ đạo điều hành của chính quyền.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trên địa bàn huyện từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như, 100% Cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đều có máy tính, kết nối mạng Internet. Triển khai kết nối mạng truyền số liệu để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của xã đảm bảo an toàn thông tin. Triển khai hệ thống phòng họp không giấy (http://ecabinet.vn) với 126 tài khoản của tổ chức, cá nhân thực hiện phòng họp không giấy. 29/29 xã, thị trấn có hệ thống phòng họp trực tuyến; trên 100 thôn của 16 xã có truyền hình trực tuyến một chiều.

Đồng thời, Hạ tầng chuyển đổi số được đảm bảo cho các hoạt động truy cập, sử dụng internet, các ứng dụng số của người dân trên địa bàn toàn huyện. Các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối hệ thống Internet băng thông rộng, hệ thống mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng, được bảo trì thường xuyên đảm bảo truy cập Internet thông suốt. 100% các thôn, làng đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận hộ gia đình; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 4G; Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh trên 85%; Tỷ lệ hộ gia đình có người sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 85%. Hoàn thành việc cập nhật CSDL về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; Hệ thống phần mềm đăng nhập tập trung của tỉnh, trong đó có phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc TDOffice.

Hiện nay, huyện Nông Cống có 4/29 xã đã hoàn thành CĐS, năm 2024 phấn đấu thêm 6 xã hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng gặp một số hạn chế như, tỷ lệ người dân sử dụng máy tính chưa cao, việc tạo lập, đăng ký và sử dụng chữ kí số đang rất thấp. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ dịch vụ công, phục vụ chuyên môn chưa đồng bộ; các ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa được tích hợp để người dân sử dụng đơn giản và hiệu quả. Chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT tại xã, thị trấn; Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của Chuyển đổi số, chưa sử dụng các ứng dụng CNTT phục vụ cho công việc nhằm thay đổi cách thức làm việc, sản xuất, giao dịch…

Đồng chí Phạm Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan chung của sự phát triển, những năm gần đây, huyện Nông Cống cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh, quyết liệt, khẩn trương triển khai công tác chuyển đổi số, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để chuyển đổi về tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong công việc cũng như kinh doanh”.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quán triệt quan điểm chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và xã hội bằng các hình thức thiết thực, phù hợp. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường tiếp nhận và giải quyết hồ sơ toàn trình, nâng cao tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ, thống nhất, liên thông. Thực hiện việc chỉ đạo, quản lý, điều hành, phát hành văn bản trên môi trường mạng, hướng dẫn, tăng cường sử dụng chữ ký số và hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; Khắc phục các điểm lõm, khuất sóng di động, sóng 4G, 5G. Hỗ trợ chuyển đổi số cho sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực./.

Hải Nam - Hoàng Trang