22/12/2024 lúc 09:07 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số hướng tới ngành du lịch thông minh

Quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành “công nghiệp không khói”. Cùng với xu thế chung, ngành du lịch Việt Nam hướng tới du lịch thông minh có thể thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng và nâng cao tính cạnh tranh lâu dài cho các điểm đến du lịch Việt.

Trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Chuyển đổi số trong ngành du lịch đang đưa toàn ngành du lịch lên môi trường số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch; ứng dụng công nghệ số nâng cao trải nghiệm du khách...

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về phát triển du lịch nói chung và chuyển đổi số du lịch nói riêng. Thời gian qua, ngành du lịch đang hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh. Tập trung phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ du khách, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp thông minh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số; tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về du lịch thông minh, du lịch số. Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; lấy khách du lịch làm trung tâm, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa. Đây vừa là động lực, sức bật cho ngành du lịch, vừa phát huy được thành quả, mở ra một không gian, tiềm năng mới để phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.

Theo nghiên cứu, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025; đồng thời cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, số người sử dụng Internet toàn cầu trong năm 2023 đã tăng 100 triệu, chạm mốc 5,4 tỷ người, tương đương 67% dân số thế giới. Thống kê của công ty truyền thông Wearesocial cho thấy, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số.

Qua đó, hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào các hệ thống công nghệ tiên tiến để xây dựng các thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân. Song song với xu hướng toàn cầu này, nhiều điểm du lịch cũng đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực. Các điểm đến hiện đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha), Dubai (UAE), London (Anh), Melbourne (Australia), New York (Mỹ), Oslo (Na Uy), Singapore (Singapore) và Tokyo (Nhật Bản). Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp.

Việt Nam được coi là một điểm đến mới nổi với lực lượng lao động trẻ và thông thạo công nghệ, tương lai của du lịch Việt Nam rất tươi sáng. Có rất nhiều tiềm năng để ngành du lịch nơi đây học tập kinh nghiệm của các điểm đến toàn cầu và áp dụng công nghệ phù hợp nhằm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng. Qua đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các giải pháp cụ thể và ban hành các đề án, kế hoạch phát triển du lịch số; ra mắt Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số của ngành... Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số du lịch nâng cao tính cạnh tranh lâu dài của ngành du lịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về phát triển du lịch. Thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ năm yếu tố quan trọng của du lịch, thường được gọi theo năm chữ A trong tiếng Anh gồm: Accessibility – khả năng tiếp cận điểm đến, Attractions – thắng cảnh, Activities – hoạt động, Amenities – cơ sở tiện nghi, và Ancillary services – các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, du lịch thông minh không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.

Ngoài ra, quan trọng nhất là phải có nguồn nhân lực thông minh để quản trị du lịch thông minh. Lãnh đạo và quản lý cấp cao trong tương lai của ngành du lịch cần được trang bị hiểu biết về công nghệ, tư duy phản biện, quản trị và phân tích, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, để đưa ra những giải pháp tích cực cho các vấn đề phát triển bền vững toàn cầu.

Mặc dù việc chuyển đổi số trong ngành du lịch còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu được thực hiện đúng cách, nó sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp, giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bứt phá.