16/10/2024 lúc 15:47 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa

Sáng 7/10/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa” tại Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh. Đây là một trong số các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) của tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân; Đặng Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số; Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Thực hiện việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng về tăng trưởng xanh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định 08 nhóm giải pháp chủ yếu với 105 nhiệm vụ cụ thể về tăng trưởng xanh. Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đạt được những kết quả tích cực về chuyển đổi số: Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.680 dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 85%, trong đó: 974 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 706 dịch vụ công trực tuyến một phần; đã được tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%. Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 03 cấp với tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản là trên 3,3 triệu lượt, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%. Nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh đã cung cấp, chia sẻ, công khai 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài; Cổng dữ liệu mở của tỉnh cung cấp 316 dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn là 615 doanh nghiệp.

Các tập thể và cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm khẳng định: Có được kết quả trên là do tỉnh có lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên (lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện); thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa chú trọng đến việc tuyên truyền về chuyển đổi số để thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, qua đó làm thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số... góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo lần này là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu Ban tổ chức hội thảo kiểm tra, thống kê các đại biểu thuộc thành phần tham dự của các cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị Trưởng các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình, đặc biệt là thể hiện vai trò của Người đứng đầu.

Ông Đặng Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam đã định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên kinh tế số trong bối cảnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa; chia sẻ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; chuyển đổi số trong doanh nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động; giới thiệu các nền tảng, giải pháp số để chuyển đổi số và áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp... Một số các tham luận tại Hội nghị như: Định hướng mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và kinh tế số tỉnh Thanh Hóa; Định hướng thúc đẩy Kinh tế số, Xã hội số tỉnh Thanh Hóa; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, khuyến nghị cho Thanh Hóa; Chuyển đổi kép - xu hướng phát triển kinh tế bền vững; Giải pháp chuyển đổi số từ cơ sở đến quản lý nhà nước hướng tới nền kinh tế nông nghiệp xanh bền vững; Xây dựng hạ tầng số xanh hướng đến phát triển bền vững; Công nghệ thông tin và chuyển đổi kép trong doanh nghiệp.

Các tập thể và cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, 35 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác chuyển đổi số đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ban tổ chức đã trao 28 giải/4 tuần, gồm 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích trong Cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm tìm hiểu về CĐS tỉnh Thanh Hóa năm 2024./.

Hải Nam - Hoàng Trang